(QNĐT)- Mới đây, Báo Quảng Ngãi điện tử (QNĐT) đã có bài phản ánh tình trạng dạy thêm học thêm hiện nay và cũng như những lúng túng trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Trả lời phỏng vấn phóng viên QNĐT, ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GĐ&ĐT khẳng định: Ngành giáo dục đang triển khai các giải pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay ở tỉnh ta?
Toàn tỉnh hiện có gần 400 trường tiểu học, THCS, THPT ở 184 xã, phường thị trấn. Điều này cho thấy, dân trí ở tỉnh ta phát triển đáng mừng. Cùng với đó, thì nhu cầu học thêm, dạy thêm cũng phát triển theo. So với nhiều tỉnh thành trong cả nước thì tình trạng dạy thêm, học thêm ở tỉnh ta không nhiều bằng. Tuy nhiên, hiện tình trạng học thêm, dạy thêm đã trở nên rất phổ biến, nhất là ở khu vực thành phố Quảng Ngãi và các trung tâm thị trấn.
Ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi. |
Học thêm, dạy thêm có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực đó là dạy thêm sẽ bổ sung và nâng cao kiến thức cho các em học sinh. Đặc biệt, qua học thêm sẽ giúp cho các em học sinh học lực hơi yếu (do không theo kịp các bạn ở trường) bổ sung kiến thức. Bởi hiện nay, với số lượng kiến thức khá lớn, thời gian học trên lớp giáo viên khó có thể truyền đạt hết cho học sinh. Chính vì vậy, ngoài việc bổ sung kiến thức bằng đọc thêm sách ở nhà, thì học thêm là nhu cầu không thể thiếu của nhiều học sinh.
Còn về tiêu cực thì với nhiều học sinh, học thêm với suy nghĩ đối phó với hy vọng được nâng điểm, lấy lòng giáo viên… Còn về góc độ giáo viên, thì một bộ phận giáo viên, dạy thêm là nguồn thu nhập chính. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người giáo viên.
Dư luận cho rằng, để cho học sinh đi học thêm, nhiều nơi giáo viên lên lớp thì dạy qua loa, thậm chí còn học sinh bị ép học thêm?
Quả thật, lâu nay dư luận về vấn đề này là có chứ không phải không. Thế nhưng, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ánh nào của phụ huynh về các trường hợp trên, vì vậy khó có cơ sở để chúng tôi kiểm tra, xử lý.
Ngành giáo dục của tỉnh không cấm giáo viên làm giàu chính đáng. Khuyến khích giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm đúng quy định, vì cùng với việc nâng cao kiến thức cho học sinh sẽ góp phần cảu thiện và nâng cao cuộc sống cho nhiều giáo viên. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng nghiêm cấm giáo viên, vì mục đích kinh tế để ép học sinh đi học thêm, hoặc dạy qua loa trên lớp để các em phải đi học thêm.
Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở tỉnh ta là có. Vậy thì ngành giáo dục chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?
Như tôi đã nói, ngành giáo dục không cấm học thêm, mà chỉ yêu cầu thực hiện đúng quy định về dạy thêm. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên thực hiện đúng theo Thông tư 17 của Bộ, đó là: Không dạy thêm với học sinh nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với giáo viên được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm trong nhà trường. Không được phép dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Ngoài ra, tất cả các giáo viên các trường đều cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát về tình trạng dạy thêm, học thêm của giáo viên trường mình.
Với những giáo viên vi phạm, trước mắt chúng tôi sẽ xử lý hành bằng cách đình chỉ công tác giảng dạy từ 15-30 ngày (tùy theo mức độ vi phạm) để kiểm điểm, đồng thời xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo Thông tư 49 của Chính phủ và sau đó sẽ lỷ luật theo quy định hiện hành.
Hiện, Sở GDĐT đã thành lập các đường dây nóng, nếu phụ huynh, học sinh nào phát hiện những tình trạng trên thì có thể gọi trực tiếp vào các số máy: 3824164, 3824165, 3824166 (trong giờ hành chính), hoặc các số máy cầm tay: 0914184303, 1913428407, 0913442897. 0905100117.
Nhu cầu của học sinh học thêm hiện nay là rất lớn. Vậy, ngành giáo dục giải quyết vấn đề này như thế nào?
Hiện trong thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt quy định mới về dạy thêm, học thêm. Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm nếu có nhu cầu của học sinh và được sự đồng ý của phụ huynh thì hiệu trưởng các trường tổ chức quản lí giảng dạy trong nhà trường.
Theo đó, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.
Nỗi lo nhất của phụ huynh và học sinh hiện nay là mức học phí học thêm quá cao. Vậy, nhà trường tổ chức thu học phí học thêm trong nhà trường như thế nào?
Quả thật, vấn đề học phí cho con em đi học, rồi học thêm luôn là gánh nặng với nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo và ở những vùng nông thôn. Chính vì vậy, trong dự thảo gửi UBND tỉnh, chúng tôi đã tham mưu đưa ra mức thu theo tinh thần vừa sức đóng góp của người học và có thù lao cho giáo viên cũng như các khoản phục vụ khác, mức thu không cao đối với từng môn học.
Theo đó, bậc THCS thì mức thu 60.000 đồng/môn; THPT là 80.000 đồng/môn. Giáo viên tham gia trực tiếp dạy thêm sẽ được hưởng 75%, còn lại 25% sẽ dành cho nhà trường để bù vào các chi phí như trường lớp, điện, nước...
M.Toàn (thực hiện)