Phải làm cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc Nghị quyết TƯ 4

07:04, 28/04/2012
.

(QNg)- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hiện nay là tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (Nghị quyết Trung ương 4). Trong đó, việc kiểm điểm làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ là một nội dung quan trọng. Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã dành cho phóng viên Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi xoay quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, mời bạn đọc theo dõi!

*P.V: Xin đồng chí cho biết những yêu cầu đặt ra trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4?

*Đ/c Nguyễn Thanh Quang: Một trong những công việc trọng tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với các tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Khi triển khai công việc này, cần xác định rõ nội dung, cách làm, lộ trình thực hiện để chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo; chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất, cụ thể, tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức. Đây là yêu cầu cơ bản đặt ra trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch của Tỉnh uỷ.

*P.V: Giải pháp nào để thực hiện đạt được các yêu cầu đó, thưa đồng chí?

*Đ/c Nguyễn Thanh Quang: Theo tôi, quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phải làm cho cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc Nghị quyết, thống nhất và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Tập thể cấp uỷ, lãnh đạo các cấp, các ngành phải trực tiếp chỉ đạo tiến hành kiểm điểm. Các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm điểm với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng. Tự phê bình và phê bình vừa phải đúng nguyên tắc, vừa phải có tính thuyết phục, có lý có tình, kiên trì, bền bỉ, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng để "đấu đá", trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng hoặc cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm.

*P.V: Những nội dung trọng tâm trong kiểm điểm, tự phê bình tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4?

*Đ/c Nguyễn Thanh Quang: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo các nội dung Nghị quyết đã nêu. Cụ thể là:

- Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái.

- Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng hẫng hụt cán bộ kế thừa; tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý năng lực thấp nhưng thiếu mạnh dạn đề xuất thay thế; cục bộ, bè phái dẫn đến bố trí, đề bạt cán bộ không đúng làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan lãnh đạo, quản lý, đến sự phát triển của ngành, địa phương, đơn vị.

Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền.

Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Khi kiểm điểm, cần tập trung liên hệ, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém nêu trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 và nghị quyết đại hội cùng cấp; làm rõ tại sao có những hạn chế, khuyết điểm, trì trệ đã chỉ ra, nhìn thấy từ nhiều năm nhưng cấp uỷ, Ban thường vụ cấp uỷ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chậm khắc phục.

*P.V: Theo đồng chí, làm thế nào để việc kiểm điểm và tiếp thu phê bình diễn ra nghiêm túc, cầu thị, tạo được khối đoàn kết trong nội bộ, vừa chống lại hiện tượng lợi dụng kiểm điểm, phê bình để "đấu đá" hay trù dập nhau?

*Đ/c Nguyễn Thanh Quang: Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này được quy định khá chặt chẽ và cụ thể. Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thấy rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của công việc này, phải coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta, từ đó mà tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình. Cấp trên phải kiểm điểm trước để làm gương cho cấp dưới, tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau, đồng thời có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp uỷ cấp trên.

Về cách làm thì từng đồng chí cấp uỷ viên, từng cán bộ, đảng viên phải chủ động tự giác xem lại mình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm. Trước khi mở hội nghị kiểm điểm, phải chuẩn bị chu đáo, phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp và các đồng chí nguyên là cấp uỷ viên cùng cấp. Uỷ ban kiểm tra chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Văn phòng cấp uỷ và các cơ quan liên quan kiến nghị với cấp uỷ (hoặc Ban thường vụ cấp uỷ), nội dung gợi ý kiểm điểm cho tập thể, cá nhân ở những nơi cần thiết.

Sau khi kiểm điểm, báo cáo kết quả với cấp trên, thông báo với cấp dưới và các cơ quan, cá nhân lấy ý kiến góp ý. Cấp uỷ, tổ chức đảng nào, cán bộ, đảng viên nào kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu cần phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra.

Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương lần này, sẽ duy trì nghiêm túc, nền nếp chế độ tự phê bình, phê bình hằng năm gắn với kiểm điểm chức trách, nhiệm vụ được giao và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể.


*P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!


THANH TOÀN (thực hiện)
 


.