(QNg)- Chưa đầy một tuần nữa, hơn 1.300 thanh niên tỉnh ta sẽ lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Đến thời điểm này, mọi công tác gọi công dân nhập ngũ đợt I năm 2012 đã cơ bản hoàn tất. Sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo của các cấp, địa phương sẽ giúp cho khí thế của ngày Hội tòng quân thêm sôi nổi. Để thông tin rõ hơn công tác gọi công dân nhập ngũ đợt này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng NVQS tỉnh.
* PV: Đến thời điểm này, công tác gọi công dân nhập ngũ đợt I năm 2012 ở Quảng Ngãi được thực hiện như thế nào, thưa ông?
* Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân: Năm 2012, Quảng Ngãi có 1.325 thanh niên lên đường nhập ngũ trong đợt I (gồm các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tây, Lý Sơn và TP Quảng Ngãi). Ngày 9/2 (nhằm ngày 18 tháng Giêng âm lịch), tỉnh ta sẽ tiến hành giao quân.
Để làm tốt công tác gọi công dân nhập ngũ đợt I năm 2012, ngay từ đầu tháng 10/2011, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là cơ quan thường trực Hội đồng NVQS tỉnh, đã có công văn chỉ đạo cho BCHQS các huyện thành phố chủ động việc chốt thực lực và tiến hành xét duyệt chính trị, chính sách công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Hiện nay, tất cả các địa phương đều đã phát lệnh gọi nhập ngũ vượt từ 10-15% so với chỉ tiêu được giao, trong đó: Huyện Bình Sơn phát lệnh nhập ngũ cho 433 thanh niên/390 chỉ tiêu, Mộ Đức (343/300), Tư Nghĩa (402/349), TP Quảng Ngãi (225/204), Sơn Tây (56/50) và Lý Sơn (38/32). Trong đợt này, Quảng Ngãi có 13 thanh niên là đảng viên (vượt 1% so với chỉ tiêu).
* PV: Nhiều người dân vẫn còn băn khoăn về tiêu chuẩn được gia nhập quân đội. Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về tiêu chuẩn gọi công dân nhập ngũ đợt này?
* Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân: Việc gọi công dân nhập ngũ được thực hiện theo Quyết định 1918/QĐ-TTg của Thủ thướng Chính phủ; Thông tư số 167/2010/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về quy định gọi công dân nhập ngũ; Thông tư liên tịch số 175/TTLT-BQP-GDĐT của liên Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT về việc tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ. Theo đó, Hội đồng NVQS chỉ tuyển chọn những công dân đã được Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện, thành phố kết luận đạt loại 1, 2, 3. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn 2054/HD-QY của Cục Quân y thì, các địa phương từ Đà Nẵng trở vào vẫn tuyển nhận sức khỏe loại 4 về răng.
Về tiêu chuẩn văn hoá, học lực, chỉ tuyển những thanh niên có trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên. Riêng các huyện miền núi và vùng ven biển có thể tuyển chọn 15% lớp 7 trở lên. Độ tuổi thanh niên nhập ngũ là từ 18 đến 25, trong đó tuyển chọn từ độ tuổi thấp đến cao.
* PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác gọi công dân nhập ngũ?
* Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân: Công tác gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm. Do đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát đến từng địa phương. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện, thành phố đến xã, thị trấn đã chủ động, tạo được sự đồng bộ và nền nếp trong các khâu chốt thực lực, đảm bảo cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Trong đợt tuyển quân này, các đơn vị nhận quân không thực hiện thâm nhập "3 gặp, 4 biết" mà giao khâu này cho địa phương tuyển chọn. Các địa phương đã phân công cán bộ đảng viên theo dõi đến từng thanh niên để tiến hành thâm nhập động viên. Nhờ vậy việc tăng cường trách nhiệm của cán bộ cơ sở được thể hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, công tác gọi công dân nhập ngũ ở tỉnh ta vẫn gặp không ít khó khăn. Số thanh niên có lệnh gọi khám tuyển NVQS vắng mặt tại địa phương khá lớn, chiếm từ 30- 50%, nên phải tiến hành khám tuyển nhiều lần. Ngoài ra, một số thanh niên còn có tư tưởng trốn tránh, ngại thi hành NVQS, nhất là tại các địa phương ven biển.
* PV: Để đảm bảo về số lượng, chất lượng và an toàn, công tác gọi công dân nhập ngũ đã chú trọng những nhiệm vụ gì, thưa ông?
* Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân: Trong thời gian qua, Hội đồng NVQS tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; đồng thời phải phát huy tinh thần trách nhiệm đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, Hội đồng NVQS các cấp giúp UBND cùng cấp tổ chức, thực hiện đồng bộ các bước trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình và thanh niên trong diện gọi nhập ngũ xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Tổ quốc. Để phát lệnh người nào đi chắc người đó, phải thực hiện tốt "3 cử, 4 công khai" và "3 gặp, 4 biết" ở cơ sở.
Cơ quan quân sự là cơ quan thường trực của Hội đồng NVQS, vì vậy phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, giúp Hội đồng NVQS, tham mưu UBND thực hiện việc gọi thanh niên nhập ngũ đúng luật; đồng thời thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình công tác tuyển quân, kịp thời báo cáo cho Hội đồng NVQS cùng cấp biết, có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Hội đồng NVQS phải phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, nhất là thanh niên trong diện gọi nhập ngũ xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ Tổ quốc.
Một biện pháp không kém phần quan trọng là phải xử lý kiên quyết, dứt điểm số thanh niên chống đăng ký, chống khám và số chống lệnh gọi nhập ngũ; đồng thời có biện pháp quản lý tốt số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đang làm ăn xa phải về lại địa phương, sẵn sàng thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)