* PV: Tình trạng dạy thêm-học thêm trái quy định ở tỉnh ta vẫn còn phổ biến. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
*Ông Thái Văn Đồng: Việc dạy thêm trái quy định trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn. Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra việc dạy thêm-học thêm. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại thành phố Quảng Ngãi và đã phát hiện 3 trường hợp giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm-học thêm (1 giáo viên THPT và 2 giáo viên THCS). Chúng tôi đã đề nghị đơn vị trực tiếp quản lý tiến hành kiểm điểm và xử lý vi phạm. Sở GD&ĐT cũng như các cơ quan quản lý giáo dục trong tỉnh kiên quyết không bao che, dung túng đối với những giáo viên vi phạm quy định về việc dạy thêm-học thêm.
* PV: Vậy phải làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm-học thêm trái quy định, thưa ông?
* Ông Thái Văn Đồng: Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh và đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để việc dạy thêm-học thêm tuân thủ đúng quy định Nhà nước đã ban hành. UBND tỉnh đã ban hành quyết định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT cũng ban hành công văn hướng dẫn quản lý dạy thêm-học thêm. Công văn này quy định cụ thể trách nhiệm quản lý kiểm tra tình hình dạy thêm đối với từng cấp quản lý, cụ thể:
- Hiệu trưởng phải nắm chắc số liệu về lớp dạy, thời khoá biểu của từng lớp, giáo viên giảng dạy có đúng với giấy phép đã cấp (có phải là giáo viên đăng ký mở lớp hay thuê giáo viên khác dạy tại địa điểm đã đăng ký).
- Lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất: Tập trung vào các nội dung như chương trình dạy học (đối chiếu với các bài kiểm tra trên lớp); sĩ số học sinh tại lớp; thực hiện thời khoá biểu giảng dạy đã đăng ký; mức thu học phí. Mỗi lần kiểm tra phải có biên bản.
- Hiệu trưởng các trường phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra việc dạy thêm-học thêm tại trường và các cơ sở của các giáo viên đã được cấp giấy phép thuộc phạm vi quản lý của mình. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý thời gian và nội dung giảng dạy như đã đăng ký (nếu có sự thay đổi về thời khóa biểu so với đăng ký ban đầu giáo viên phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác cho hiệu trưởng và chỉ được phép thay đổi khi có sự đồng ý của các cấp theo quy định)
- Thiết lập đường dây nóng để nắm bắt, giải quyết các báo cáo phản ánh việc vi phạm dạy thêm-học thêm 24/24 giờ. Tại Sở GD&ĐT, liên lạc qua các số điện thoại sau: 3828808; 3824116; 3824113 (trong giờ hành chính); ngoài giờ hành chính thì gọi đến số: 3826785; 3825009; 3826924; 3810119.
Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo để trình UBND tỉnh sửa đổi một số nội dung trong quyết định UBND tỉnh đã ban hành việc dạy thêm-học thêm để các hoạt động dạy thêm-học thêm đi vào nền nếp.
*PV: Nhiều bậc cha mẹ tranh thủ tìm thầy cho con học hè để bước vào năm học mới học tốt hơn. Là một nhà quản lý giáo dục, ông đánh giá như thế nào về việc này?
*Ông Thái Văn Đồng: Mong muốn con em học giỏi là nguyện vọng của tất cả những người làm cha, mẹ. Tôi hiểu, thông cảm, trân trọng cũng như chia sẻ những ước mong tốt đẹp đó. Tôi cho rằng các bậc cha mẹ muốn tìm thầy cho con học là nguyện vọng chính đáng. Tuy vậy các bậc cha mẹ cần phải biết rằng, sau 9 tháng học tập, các em đã căng thẳng. Vì vậy thời gian hè các bậc cha mẹ nên cho con em nghỉ ngơi, thư giãn và nếu có điều kiện, nên cho các em đi tham quan các nơi trong và ngoài tỉnh để các em gắn bó, hoà đồng với thiên nhiên, với môi trường sống nhằm chuẩn bị tâm thế cho các em bước vào năm học mới.
Đối với những em chuẩn bị thi vào các trường đại học, cao đẳng, vào lớp 10, thì việc học thêm nhằm bổ sung kiến thức, theo tôi nếu sắp xếp thời gian hợp lý đây vẫn là điều cần thiết. Ở đây, tôi rất mong các bậc cha mẹ, các em học sinh đánh giá đúng khả năng của mình để tư vấn, giúp các em lựa chọn, tham gia dự thi vào các trường phù hợp.
* PV: Trong dịp hè, ngành giáo dục có tổ chức hoạt động dạy và học nào không? Và làm thế nào để quản lý tốt học sinh trong hè?
* Ông Thái Văn Đồng: Hè là thời gian nghỉ ngơi của học sinh và của nhà giáo. Theo quy định, nhà giáo được quyền nghỉ 2 tháng trong năm. Vì vậy Sở không chủ trương dạy thêm trong hè cho tất cả các đối tượng học sinh.
Tuy vậy do nhu cầu của người học, nhất là đối với thí sinh dự thi tuyển sinh; học sinh yếu nên việc dạy thêm, học thêm vẫn được tổ chức trên nguyên tắc thực hiện đúng theo Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2008 của UBND tỉnh.
Việc quản lý học sinh sau những giờ không đến lớp là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Nói điều này để các bậc cha mẹ học sinh quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, giáo dục và tạo những điều kiện tốt cho con em vui chơi lành mạnh, rèn luyện thể lực trước khi bước vào năm học mới.
Thực tế, đôi lúc cha mẹ vì lo toan cuộc sống mà chưa thực sự quản lý con em trong thời gian không đến trường, điều này đã gây ra những tai nạn thương tâm. Chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh, cộng đồng xã hội quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nhằm giúp các em phát triển toàn diện.
*PV: Xin cảm ơn ông!
Phương Lý (thực hiện)