(Báo Quảng Ngãi)- Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, mẹ tôi tranh thủ sên mứt dừa, thêm phần cho khay bánh Tết đãi khách. Mứt dừa thơm ngon, dễ làm, nên những người không khéo tay, lần đầu làm cũng dễ thành công.
[links()]
Ngày trước, trong vườn nhà có trồng mấy cây dừa nên mẹ tôi thường để dành những trái dừa khô, chờ đến dịp cuối năm mang ra làm mứt. Những năm đó đời sống còn khó khăn, thiếu thốn nên lũ trẻ chúng tôi luôn ngóng chờ những ngày cuối năm để được thưởng thức các loại bánh mứt. Trong đó, vị ngọt thơm của mứt dừa là hấp dẫn nhất.
Mứt dừa là một trong những loại mứt phổ biến trong ngày Tết. Ảnh: H.THU |
Sau khi rửa sạch dừa, để cho ráo nước, mẹ tôi bắt tay vào trộn dừa với đường theo tỷ lệ 2kg dừa 1kg đường. Mẹ tôi thường ngâm dừa với đường khoảng một buổi trước khi rim. Trong tiết trời se lạnh, không gì thích thú bằng ngồi rim mứt. Mẹ tôi quạt than hồng, bắc chiếc chảo to và cho hỗn hợp dừa, nước đường vào rim. Rim đến khi nước đường sền sệt, mẹ tôi giảm bớt than rồi đảo nhẹ tay liên tục để đường nhanh kết tinh mà không bị cháy.
Để thêm phần phong phú cho khay bánh mứt Tết, ngoài màu trắng đơn thuần của dừa, mẹ tôi còn làm thêm một phần mứt dừa màu xanh của hoa đậu biếc. Khi thấy cọng dừa có đường bám lên tạo thành một lớp áo bên ngoài là đã hoàn thành. Để dừa khô hẳn và bảo quản được lâu, mẹ tôi thường dàn mỏng mứt dừa trên nong rồi mang ra ngoài trời nắng hanh hanh hoặc nơi thoáng mát hong chừng vài tiếng trước khi mang cất.
Mứt dừa thành phẩm khi thưởng thức sẽ dai dai và có vị ngọt của đường hòa quyện với vị thơm béo của dừa. Là món mứt không cầu kỳ, dễ làm lại rẻ tiền nên từ xưa đến nay, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong khay bánh mứt Tết của nhiều gia đình luôn có sự hiện diện của mứt dừa.
Dù ngày nay có nhiều loại bánh mứt nhập khẩu sang trọng, nhưng trong ngày Tết sum vầy, nhâm nhi miếng mứt dừa dân dã bên tách trà nóng, hàn huyên đôi ba câu chuyện cùng với người thân, thật sự thú vị.
THU HIẾU