Ngôi đình hơn 200 năm ở La Châu

11:06, 25/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lần theo những địa danh thuở xưa, từ cầu Phủ, cầu Đình đến Điền Trang, Đập Mít, chúng tôi đến với làng La Châu, khi xưa có tên là xứ Cồn Găng, Tổng An, phủ Tư Nghĩa, nay thuộc thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). Làng La Châu nằm bên dòng sông mang tên La Châu uốn quanh rất đẹp.  
 
[links()]
 
Cùng với quá trình khai hoang lập ấp tạo nên những vùng đất trù phú, màu mỡ, những dòng họ lớn đầu tiên như Nguyễn, Trần, Phan, Lê, Phạm đã dựng nên đình làng La Châu. Đình làng La Châu là một quần thể di tích của làng, của xóm gồm đình La Châu, nghĩa từ, miếu bà Ngũ Hành Tiên Nương. Quần thể di tích này đều nằm trên gò cao, cạnh dòng sông La Châu phát nguyên từ một nhánh sông Văn (sông Phước Giang) thuộc thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Đình La Châu thờ Thành hoàng bổn xứ, có niên đại thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn.
 
Đình làng La Châu, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa).                       Ảnh: Tạ Hà
Đình làng La Châu, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). Ảnh: Tạ Hà
Ông Trần Đình Loan (89 tuổi), ở xóm 9, thôn La Châu cho biết, ban đầu, đình La Châu là một tòa đại đình, được dựng bằng gỗ, tranh, tre. Sau đó, đình được tu sửa lại phần vách bằng đá ong. Đình có dạng hình chữ Đinh, gồm nhà tiền tế, chánh điện và nhà hội được xây dựng bằng hợp chất đá ong, đá vụn sỏi, vôi, mật đường. Năm 2014, đình làng được tu sửa mới. Dấu tích cũ chỉ còn nền đình và chánh điện. Tất cả được tu sửa lại bằng chất liệu xi măng trang trí vẽ màu.
 
Hằng năm, lễ tế đình La Châu diễn ra vào ngày 17 tháng Ba âm lịch. Đây là lễ tế lớn nhất của cả thôn La Châu. Cách đại đình chừng 5m là nghĩa từ, nơi thờ tự các âm hồn, cô hồn. Nghĩa từ có dạng bình đồ hình chữ nhật bằng chất liệu vôi vữa, trang trí vẽ màu với các ban thờ. Giữa là án thờ thần Thành hoàng. Hai bên tả hữu là tả ban hữu ban, tiền hiền hậu hiền, đông phối tây phối, tiền vãng hậu vãng. Trung tâm là ban thờ hội đồng. Phía trước là bình phong trụ biểu (mặt trước bình phong đắp nổi long mã, hai trụ biểu trang trí lân chầu) và một cây si cổ thụ. 
 
Cuối cùng là miếu bà thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Người dân trong làng thường gọi là miếu bà Ngũ Hành. Ngũ Hành là biểu tượng của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, năm vị phúc thần quyền năng bảo vệ cộng đồng cư dân nông nghiệp. Miếu nằm giữa cánh đồng làng, mặt quay ra sông La Châu về hướng nam. 
 
Ông Phạm Ngọc Tấn (90 tuổi), xóm 9, thôn La Châu,  chủ tế của xóm cho biết, thuở xưa, tại bến sông này, người dân thường đánh bắt cá và tấp nập thuyền bè qua lại trao đổi, buôn bán. Cùng với quá trình lập làng, đình La Châu được xây dựng thì lúc đó cũng xây dựng miếu bà, với mong muốn bà phù hộ, độ trì cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Kiến trúc của miếu bà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Mặt bằng kiến trúc của miếu kiểu chữ đinh, gồm nhà tiền đường, hậu tẩm, được dựng kết hợp các vì kèo bằng gỗ và vách với các chất liệu đá ong, đá vụn sỏi, vôi, mật đường... Đỉnh mái đắp nổi chủ đề lưỡng long chầu hồ lô. Cửa miếu dạng hình mái vòm. Phía trước có đôi câu đối bằng chữ Hán Nôm. Miếu gồm ban thờ chính Ngũ Hành Tiên Nương cùng tả ban, hữu ban, đông phối, tây phối và ban thờ hội đồng. Bình phong dạng hình cuốn thư. Mặt trước đắp nổi chủ đề long mã, mặt sau đắp nổi hổ chầu. Trụ biểu xây liền với bình phong, đỉnh trang trí chủ đề hoa sen.
 
Lễ tế nghĩa từ, miếu bà Ngũ Hành Tiên Nương là ngày 24 tháng Ba âm lịch. Lễ tế diễn ra với sự tham gia của tất cả người dân trong làng. Các bậc cao niên trong làng còn cho biết thêm, ngày xưa, làng trích một sào đất ở Vườn Chòi làm tự điền, giao cho người dân trong làng canh tác, trưng thu hoa lợi để cúng đình, miếu trong làng. Đến nay, lệ này vẫn còn gìn giữ và duy trì. Qua hơn 200 năm, đình làng La Châu cùng với quần thể di tích vẫn được gìn giữ, phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa tín ngưỡng, gắn kết cộng đồng dân cư nơi đây. 
 
TẠ HÀ
 
 

.