(Báo Quảng Ngãi)- Quê tôi nằm dọc bãi bồi ven sông Trà Khúc, nên các loại rau tập tàng mọc nhiều vô kể, song với tôi, món rau lồng đèn (rọ heo) luôn để lại những dư vị khó quên.
[links()]
Lồng đèn có nhiều tên gọi khác nhau: Cây chùm bao, nhãn lồng rừng, rọ heo. Còn ở miền Trung, người dân thường gọi với cái tên mỹ miều là cây lạc tiên. Là loại dây leo thân mềm, thường ra hoa, kết trái vào tháng bảy, tháng Tám, hoa lồng đèn có màu tím, bên trong nhị màu vàng nhạt. Quả lồng đèn có hình tròn, nho nhỏ như trứng cút, khi chín có màu vàng nhạt, bên trong có hạt nhỏ li ti. Nếu ai đó đã một lần thưởng thức quả lồng đèn thì khó quên lắm, cái vị chua chua, ngọt ngọt.
Rau lồng đèn luộc chấm với mắm nêm, giản dị mà nhớ mãi. |
Với rau lồng đèn, cách đơn giản là luộc. Ngọn lồng đèn sau khi hái về, mẹ tôi liền rửa sạch rau với nước muối, để cho ráo nước. Bắc nồi lên bếp, khi nước sôi thì bỏ rau vào luộc, thấy chín tới thì vớt ra, ngâm ngay vào nước đá cho rau có độ giòn, ngọt hơn. Gắp một đũa rau lồng đèn chấm vào nước cá kho tộ hay mắm nêm, đậm đà vị cay của ớt, tỏi, chua của chanh, thì hương thơm hăng hắc của vị thuốc bắc, vị ngọt không thể xen lẫn vào đâu được. Bữa ăn ngon miệng đến lạ!
Ngoài ra, rau lồng đèn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như nấu canh với cá rô đồng. Chọn những con cá rô to bằng hai đến ba ngón tay, chà muối để loại bỏ chất nhớt, đánh sạch vẩy, rửa lại với nước, rồi bắc nước sôi cho gia vị vào. Khi nước sôi cho cá vào luộc chín, vớt cá ra tách lấy phần thịt cá, xương và đầu giã nhỏ lọc lấy nước. Sau đó đổ thịt cá và nước vào, bắc lên bếp để sôi lại, bỏ rau lồng đèn vào, cho thêm ít gia vị là có ngay tô canh cá rô lồng đèn, ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng. Hay rau lồng đèn xào tỏi, làm nộm cùng với tép đồng cũng ngon tuyệt.
Mộc mạc và giản dị, rau lồng đèn đã gắn bó với tuổi thơ tôi mãi cho đến giờ. Dù xa quê hay sống ở miền đất nào, rau lồng đèn vẫn luôn để lại trong tôi một ấn tượng khó phai, về những bữa cơm quê đậm nghĩa ân tình.
ĐÔNG HÀ