Nơi con sông chảy về với biển

10:02, 13/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở nơi con sông chảy về với biển, qua bao đời vẫn thế, mênh mông bát ngát mà rất đỗi hiền hòa, ôm ấp, chở che như lòng mẹ. Nơi đây con nước mặn - ngọt dung hòa, cởi mở như lòng người hướng ra biển lớn. Không chỉ ôm vào lòng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, nơi con sông chảy về với biển còn chứa đựng lịch sử lưu dấu qua nghìn năm.
[links()]
Quảng Ngãi có 6 cửa biển: Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại, cửa Lở, cửa Mỹ Á và cửa biển Sa Huỳnh. Mỗi cửa biển có một lịch sử và một vẻ đẹp riêng.
 
Sa Cần quyến rũ
 
Nơi cuối con sông Trà Bồng xanh biếc trước khi đổ ra biển là cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) đẹp đến nao lòng. Trong ánh nắng vàng rộm nơi cửa biển, xa xa ngoài cửa biển là hòn Ông án ngữ để chắn sóng gió, bảo vệ tàu thuyền, phía bên trong là hòn Bà tọa lạc ở vị trí hiếm có ngay giữa sông như để chở che cho làng chài. Với cư dân làng chài, hòn Ông, hòn Bà rất linh thiêng, nên đều có miếu thờ.
 
Cửa biển Sa Cần tuyệt đẹp, bình yên đến lạ dẫu cách đó không xa là nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc KKT Dung Quất đang hoạt động. Anh Nguyễn Hữu Trung (40 tuổi), hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hải Ninh, chia sẻ: “Tuổi thơ chúng tôi tắm mát ở khúc sông này, câu cá ở gành đá, kéo lưới, đêm đêm nghe giọng hò bả trạo của các bác, các chú. Sa Cần hiền hòa, chở che, nuôi dưỡng các thế hệ người dân quê tôi”.  
 
Cửa biển Sa Cần. ẢNH: MINH THU
Cửa biển Sa Cần. ẢNH: MINH THU

 

Theo chân anh Trung, chúng tôi tìm gặp các bậc cao niên để hiểu hơn về Sa Cần xưa và nay. Ông Vũ Huy Bình (71 tuổi), ở thôn Hải Ninh, nhớ lại: Nơi đây ngày trước có cả đò ngang, đò dọc. Từ ngày khởi động KKT Dung Quất, có cầu bắc qua sông Trà Bồng, bến đò xóm Cửa dừng hoạt động. Riêng bến cá Sa Cần thì vẫn nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản như thuở nào. 

 
 Xa hơn nữa, cửa biển Sa Cần gắn với dấu tích của vua Lê Thánh Tông. Theo sử sách, năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã đặt chân đến vùng đất này. Sa Cần trước có tên là Thể Cần, tức là hái rau cần, gắn với việc  vua Lê Thánh Tông lệnh cho quân sĩ vì thiếu lương thực phải hái rau cần mà sinh sống. 
 
Ngày nay, ở vùng lân cận cửa biển Sa Cần còn nhiều dấu tích của vua Lê Thánh Tông như: Làng Tổng Binh là nơi quân sĩ đóng quân; Vạn Tường là địa danh có nguồn gốc từ tiếng hô chúc tụng đức vua; giếng Vua ở làng Thanh Thủy là nơi vua lấy nước ngọt; động Hàng Đô là nơi vua và tướng đóng doanh trại...
 
Theo các nhà nghiên cứu, cửa Sa Cần gắn liền với con đường quế, người xưa thu mua quế từ Trà Bồng đi bằng đường sông xuống cửa Sa Cần, rồi từ Sa Cần đi theo các tuyến hải thương buôn bán, có thể đi vào Thu Xà và từ Thu Xà xuất đi các nơi khác. Các nhà khảo cổ cũng đã tiến hành khai quật các con tàu cổ đắm tại cửa biển Sa Cần, tìm thấy ở đây khu mộ chum rất lớn của người Sa Huỳnh. Qua chỉ dấu này cho thấy, trong  các giai đoạn lịch sử từ thời Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt, cửa Sa Cần đều có vị trí rất quan trọng.
 
Ngay trên cửa Đại là cầu Cổ Lũy vừa được xây dựng với kinh phí  2.250  tỷ đồng. Đây là cây cầu đẹp nhất ở Quảng Ngãi bắc qua sông Trà Khúc tính đến thời điểm hiện tại, mở ra tương lai tươi sáng cho vùng đất ở khu vực cuối dòng sông này. Từ đây, nhìn về phía biển với ánh bình minh chiếu sáng, một cảm giác không gì thú vị bằng.
Lưu dấu ngàn năm 
 
Từ cửa Sa Cần xuôi về phía nam là cửa biển Sa Kỳ, ở giữa hai xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nơi sông Châu Me và sông Chợ Mới đổ ra biển. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: Lịch sử xa xưa ghi dấu cửa biển Sa Kỳ gắn liền với thành Châu Sa của người Champa, là vị trí giao thương quan trọng. Từ cửa Sa Kỳ, người xưa đi theo sông Chợ Mới lên Châu Sa. Tuyến hải thương của Châu Sa đi theo hai cửa, phía nam là cửa Đại, phía bắc là cửa Sa Kỳ. Cửa Sa Kỳ cũng có vị trí đặc biệt quan trọng thời Đại Việt, không chỉ là nơi giao thương với bên ngoài mà còn gắn liền với Đội hùng binh Hoàng Sa. Tại đây vẫn còn dấu tích của đình An Hải, nơi quan binh đến để kiểm soát nhân sự, chuẩn bị đưa dân binh đi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm sản vật. Cửa biển Sa Kỳ là nơi ra Lý Sơn gần nhất so với các cửa biển khác nên ngày nay là cảng biển nhộn nhịp bậc nhất của tỉnh.
 
Cửa biển lớn nhất của Quảng Ngãi là cửa Đại hay còn gọi là cửa Đại Cổ Lũy, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An, Tịnh Kỳ và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), là nơi giao nhau giữa sông Trà Khúc, sông Vệ trước khi đổ ra biển. Vượt qua bãi cát rộng ở bờ nam cuối sông Trà Khúc, chúng tôi đến nơi hợp nước giữa sông và biển. Từng con sóng nước hiền hòa vỗ nhẹ vào bờ, hai dòng sông lớn được ví như dòng sữa mẹ nuôi lớn bao thế hệ người xứ Quảng đến đây như đã hoàn thành sứ mệnh.
 
Sông Trà Khúc, sông Vệ rộng lớn là vậy, đến hơn 500-1.000m, nhưng mãi đến thời Pháp mới có cầu bắc qua sông. Vì thế, đường sông là tuyến giao thông huyết mạch của người xưa là vậy. Dấu vết của người xưa hiện hữu rất rõ ở khúc sông này, càng cho thấy vị trí đặc biệt quan trọng của dòng sông, cửa biển xưa và nay. Cách đó không xa là núi Phú Thọ thuộc xã Nghĩa Phú.
 
Từ trên đỉnh núi, nhìn thấy rất rõ nơi cửa biển và làng chài Cổ Lũy, phong cảnh nên thơ, hữu tình. Năm 1750, danh sĩ Nguyễn Cư Trinh khi đến trấn nhậm, làm Tuần Vũ Quảng Ngãi đã vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, “Cổ Lũy cô thôn” là một trong số đó. Cửa Đại một thời gắn liền với phổ cổ Thu Xà và bến cảng Phú Thọ sầm uất. 
 
Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, cửa Đại gắn liền với hai trung tâm quan trọng của người Champa là Cổ Lũy và Châu Sa. Qua khai quật khảo cổ cho thấy ở đây là trung tâm thương mại, chính trị, tôn giáo, hòa trộn 3 yếu tố để hình thành nên một điểm tạm gọi như là tiểu quốc của người Champa từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, quy mô rất lớn, bao gồm cả phía bờ nam của sông Trà Khúc. Các dấu tích đặt hầu như ở núi Phú Thọ và triền thấp ở khu vực lân cận. Hoạt động giao thương ở đây rất phồn thịnh. Quanh khu vực này có rất nhiều đền tháp.
 
Cửa Đại là yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa, trung tâm chính trị của một vùng đất, sau này là những thiết chế hành chính ở trục hạ lưu phía nam sông Trà Khúc. Xa xưa, từ trục sông Vệ phát triển giao thương với người dân ở phía tây Quảng Ngãi như Ba Tơ, Nghĩa Hành, hình thành rất nhiều chợ ven sông, sau đó đưa hàng hóa xuôi về Thu Xà ra cửa Đại để bán đi các nơi. Rõ ràng, cửa Đại có vai trò quan trọng đối với lịch sử phát triển của vùng đất Quảng Ngãi xưa.
 
Xuôi về phía nam còn có cửa Lở, nơi một nhánh con sông Vệ đổ về, nằm giữa hai xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và Đức Lợi (Mộ Đức). Theo Quảng Ngãi tỉnh chí thì cửa Lở được mở năm Khải Định thứ 7, tức là năm 1922. Còn cửa Mỹ Á, nằm giữa phường Phổ Quang và phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), nơi sông Thoa, sông Trường và sông Trà Câu hợp nước đổ ra biển. Đối với cửa Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), theo sử sách thì thời xa xưa nguồn thu từ cửa Sa Huỳnh rất lớn, đặc biệt là buôn bán muối. Nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích gắn liền với người Sa Huỳnh và Champa cổ xưa.
 
Các con sông và cửa biển ở Quảng Ngãi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, dẫu rằng nhiều địa điểm nổi tiếng thuở xưa nay đã trở thành hoài niệm. Ngày nay, trên vùng đất Quảng Ngãi, con đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đang được xây dựng, đó là con đường kết nối các cửa sông, con đường chứa đầy giá trị lịch sử từ xa xưa đến hiện tại. Ở những nơi con sông chảy về với biển, dòng nước mặn ngọt chan hòa, cởi mở như lòng người hướng ra biển lớn.r
 
MINH ANH
 
 

.