Đổi vị với bánh xèo tôm nhảy

10:01, 31/01/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Tùy theo mỗi địa phương ở miền Trung mà bánh xèo có những đặc trưng khác nhau để phù hợp với khẩu vị vùng miền. Bánh xèo tôm nhảy, đặc sản của Bình Định là một trong những "biến tấu" hấp dẫn để thực khách đổi vị trong những ngày mùa đông.
[links()]
Bánh xèo tôm nhảy, cái tên nghe vui tai nhưng cũng rất ấn tượng khi lần đầu tiên nghe đến, nhấn mạnh sự tươi ngon và cũng là bí quyết hàng đầu để tạo nên một món ngon trứ danh, là niềm tự hào của người dân ở xứ nẫu. 
 
Có kích thước nhỏ như bánh xèo Quảng Ngãi, cách chế biến bánh xèo tôm nhảy không khác lạ mấy, nhưng khá cầu kỳ vì có nhiều nguyên liệu hơn. Trên ngọn lửa hồng, chủ quán rưới một lớp dầu phộng, đổ bột vào tráng và sau cùng là bỏ nhân bánh vào.
 
Bánh xèo tôm nhảy.
Bánh xèo tôm nhảy có rất nhiều nguyên liệu và tôm là một trong những nguyên liệu không thể thiếu.
 
Nhân bánh gồm có tôm, trứng cút, thịt, mực, hành lá, giá... và tùy theo yêu cầu của thực khách mà bỏ những loại nhân khác nhau vào bánh để phù hợp khẩu vị. Tuy nhiên, đã là bánh xèo tôm nhảy thì ai đến thưởng thức cũng đều muốn có tôm và trong mỗi chiếc bánh đều có 3- 4 con.
 
Muốn bánh ngon, con tôm phải là  loại tôm sông, tôm đất, tươi rói, nhỏ cỡ ngón tay. Sau khi rửa sạch chỉ cắt râu và đuôi là có thể chế biến được. Khi đổ bánh, tôm tươi búng nhảy lách tách trong chảo nóng để thực khách tận mắt thấy thật thú vị. Cái tên gọi “tôm nhảy” cũng xuất phát từ những ý nghĩa như thế.
 
Ngoài tôm thì các nguyên liệu khác như giá, trứng cút, thịt, mực, hành lá,... cũng phải đặt mua loại tươi ngon, đảm bảo an toàn nhất. Đồng thời, khi dầu phộng chuyển màu đục là phải đổ đi để thay dầu mới.
 
Tùy theo loại nguyên liệu mà cho vào trước hay sau để khi bánh tới, mở vung ra cả bánh và phần nhân chín đều. Đợi thêm khoảng một phút, khi mặt dưới của chiếc bánh vàng giòn, viền bánh co lại và giá tái đi là có thể đem ra dùng nóng. Một người một lúc có thể làm hàng chục khuôn bánh. 
 
Bánh xèo tôm nhảy cầu kỳ là như vậy. Và cũng chính cái đặc trưng bánh được đổ giòn, nhiều nhân, với nhiều màu sắc đã tạo nên sự khác biệt cho chiếc bánh. Đó là màu đỏ au tươi ngon của tôm, màu vàng của trứng cút, màu đỏ của thịt bò, màu tím của mực tươi, màu trắng của giá, màu xanh của hành lá xắt khúc... nổi lên bên trong chiếc bánh vàng rươm.
 
Nhiều màu sắc hài hòa, nổi bật trong bánh xèo tôm nhảy.
Nhiều màu sắc hài hòa, nổi bật trong bánh xèo tôm nhảy.
 
Công đoạn chế biến chẳng phải đơn giản, công đoạn thưởng thức lại càng cầu kỳ chẳng kém. Vào quán, một phần bánh xèo tôm nhảy được gọi ra gồm có bánh xèo, rau sống các loại, mắm ớt xay nhuyễn. Chủ quán không quên điểm xuyến vài lát xoài non xắt mỏng lên rau và không quên gửi thực khách một chiếc kéo để cắt bánh ra thành từng phần tam giác.
 
Thưởng thức món này đúng điệu, thực khách dùng tay ăn “mới khoái”. Bên bếp lửa hồng ngày đông, tai nghe thấy tiếng xèo xèo, âm thanh đặc trưng của bánh xèo; mũi ngửi hương thơm lựng, mắt được nhìn một phần bánh hấp dẫn đủ sắc màu, thực khách khéo léo dùng bánh tráng cuốn bánh xèo với rau, chậm rãi chấm cuốn bánh ngập trong nước mắm sóng sánh rồi từ từ cho vào miệng, cắn một miếng để thưởng thức. Các hương vị mặn, ngọt, chua, cay, béo ngậy, đặc biệt là vị của con tôm tươi "vỏ mềm, chắc thịt", thơm, ngọt như thay nhau đánh thức các vị giác. Thực khách say sưa ăn mà không thấy ngán.
 
Quảng Ngãi có sự giao thoa văn hóa ẩm thực rất lớn giữa người miền Trung với nhau, nhất là ở các tỉnh lân cận như Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng... Ngày càng có nhiều món ăn của những địa phương này "du nhập" vào Quảng Ngãi. Có lẽ vì cái hương vị dân dã gần gũi, có nét tương đồng nên rất được cộng đồng người Quảng Ngãi yêu thích. Bánh xèo tôm nhảy là một trong những món ăn được người Quảng Ngãi để ý thưởng thức trong thời gian gần đây.
 
Không khó để thực khách tìm đến một tiệm nhỏ ở TP.Quảng Ngãi để thưởng thức, đổi vị với món bánh xèo tôm nhảy và xem cách mà người Bình Định chế biến. Vào những ngày mùa đông như thế này, các quán đều rất đông khách. Từ ngoài đường đã nghe thấy tiếng xèo xèo vui tai và tỏa mùi thơm lựng đặc trưng của bột gạo, đầy mời gọi.
 
Bài, ảnh: Xuân Yên 
 

.