Đá Mài một thuở...

02:02, 12/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần nửa thế kỷ trước, ngọn núi mang tên Đá Mài tọa lạc ở phía tây xã Bình Long (Bình Sơn) từng nhộn nhịp người đào, đục đá đêm ngày. Qua đôi bàn tay khéo léo “cắt, gọt” của người thợ đá, những viên đá mài từ ngọn núi này đã theo các thương nhân đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ấy vậy mà dần dà về sau, khi những dụng cụ mài dao, rựa... hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, cũng là lúc những viên đá mài và núi Đá Mài dần rơi vào lãng quên.
[links()]
Một thời rộn rã
 
Lục lại ký ức trở về những năm 80 của thế kỷ trước, cụ ông Đặng Sơn Cổ, ở thôn Long Bình, xã Bình Long (Bình Sơn) bồi hồi kể: “Núi Đá Mài ngày xưa là nơi “kiếm cơm” cho mấy trăm gia đình ở đất Bình Long này. Ngày ấy, chưa có tuyến đường nhựa Bình Long - Trà Bồng, cũng chưa có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi ngang qua núi Đá Mài; chúng tôi lên núi bằng cách đi men theo đường ruộng và đường mòn. Người thì đào hầm đục đá, người thì mang quang gánh để gánh đá từ núi xuống và bán cho các thương lái chờ sẵn bên dưới. Nhộn nhịp và rộn ràng lắm”. 
Núi Đá Mài giờ có đường giao thông xẻ qua, lộ ra những phiến đá mài phơi sắc tím ở khắp nơi.        Ảnh: Ý THU
Núi Đá Mài giờ có đường giao thông xẻ qua, lộ ra những phiến đá mài phơi sắc tím ở khắp nơi. Ảnh: Ý THU
Ngày ấy, đá mài được sử dụng nhiều, nên người dân các xã Bình Long, Bình Hiệp, trong thời gian nông nhàn đều tranh thủ lên núi Đá Mài mưu sinh. Theo lời kể của nhiều bậc cao niên tại Bình Long, vào những ngày cao điểm, số lượng người khai thác tại núi Đá Mài lên đến 200 - 300 người. Là nghề khá nặng nhọc, lại đòi hỏi kỹ thuật khi khối đá mài dù chế tác bằng phương pháp thủ công, nhưng phải vuông vức và không bị lồi lõm, sứt mẻ, nên bình quân mỗi ngày, một thợ khai thác đá lành nghề chỉ có thể đục, đẽo được 15 - 20 viên đá mài thành phẩm. Tiền bán số đá mài nói trên dù chỉ đủ cho mỗi người mua được 1 ang lúa khô, nhưng thời ấy, do kinh tế còn khó khăn, nên ai nấy đều cố gắng bám lấy núi Đá Mài để trang trải thêm cho cuộc sống.
 
Nằm cách Quốc lộ 1 chưa đầy 2km, nên sau khi làm ra những viên đá mài thành phẩm, người dân Bình Long, Bình Hiệp chỉ cần gánh đá xuống quốc lộ (tại vị trí ngã 4 Bình Long bây giờ) là có các thương lái chờ sẵn để mua. “Đá mài mà non thì khi mài dao, đá sẽ nhanh mòn. Còn đá mài mà già, thì bề mặt trơn nhẵn, rất khó mài dao. Riêng đá mài tại Bình Long là loại đá có chất lượng tốt, "không non", "không già", nên được các tay buôn săn đón lắm. Lúc hưng thịnh nhất (từ năm 1979 - 1988), hầu như ngày nào, dưới chân núi Đá Mài cũng có các thương lái từ TP.Quảng Ngãi mang từ 4 - 5 xe tải ra đây chờ sẵn rồi gom mua và chở đi các tỉnh khác để bán. Những người buôn bán nhỏ cũng chờ mua rồi tỏa về bán tại các chợ hoặc đi bán dạo khắp các thôn xóm”, ông Đặng Long, người có thâm niên chẻ đá mài hơn 10 năm, hiện đang sống gần núi Đá Mài hồi tưởng.
 
Bây giờ đìu hiu
 
Núi Đá Mài từng là nơi rộn rã tiếng búa đục, đẽo, tiếng người í ới rủ nhau gánh đá xuống núi suốt những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nghề khai thác đá mài từng là nghề mưu sinh chính của người dân ở vùng đồng bằng hữu ngạn sông Trà Bồng. Ấy thế mà bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, núi Đá Mài trở nên đìu hiu, thưa vắng dấu chân người. 
Những phiến đá mài nằm lăn lóc khắp nơi dưới chân núi Đá Mài, nhưng chẳng còn ai tìm đến khai thác như ngày xưa.  Ảnh: Ý THU
Những phiến đá mài nằm lăn lóc khắp nơi dưới chân núi Đá Mài, nhưng chẳng còn ai tìm đến khai thác như ngày xưa. Ảnh: Ý THU
“Kể từ khi các loại dao hiện đại xuất hiện, nghề rèn điêu đứng, nghề khai thác đá mài của chúng tôi rồi cũng dần tàn theo. Gần hai chục năm nay, chẳng còn thấy ai lên núi khai thác đá mài”, ông Nguyễn Sơn, ở xã Bình Long, buồn bã cho hay. 
 
Khi những sản phẩm dao làm bằng inox, thép... lần lượt chiếm lĩnh thị trường, khi những dụng cụ mài dao bằng thiếc, bằng nhựa có gắn các đồng xu kim loại xuất hiện... cũng là lúc chẳng còn mấy ai tha thiết đến các loại dao rèn truyền thống cùng những viên đá mài của ngày xưa. Lò rèn thôi đỏ lửa, nghề chẻ đá mài cũng thôi rộn ràng. Núi Đá Mài bây giờ có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xẻ qua, phơi ra màu đá tím khắp nơi. Nhìn những khối đá từng được mọi người nâng niu, săn đón ấy, giờ nằm “chơ vơ” giữa dòng người qua lại ngược xuôi, tôi chợt thấy tiếc cho những sản phẩm truyền thống vốn rất tốt và bền, nhưng lại không bắt nhịp kịp với thị hiếu để rồi dần dà bị rơi vào quên lãng...
 
Ý THU
 
 
 
 

.