Dưới bóng cây di sản

03:12, 23/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cây đa cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm tuổi nằm ngay bên bờ sông Thoa, đoạn chảy qua thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) được người làng xem như biểu tượng của làng và chung tay gìn giữ, bảo vệ suốt mấy trăm năm qua.
[links()]
Biểu tượng của làng
 
Người làng Phước Xã không còn nhớ rõ cây đa cổ thụ được trồng chính xác ở mốc thời gian nào. Nhưng theo các bậc cao niên của làng Phước Xã, cây đa cổ thụ này từng được trồng trong khuôn viên của đình làng ngày xưa. Thế rồi trải qua bao đổi thay của thời gian, đình làng nay không còn nữa, chỉ còn lại cây đa này sừng sững giữa trời cùng thời gian. 
Cây đa cổ thụ của làng Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.  Ảnh: Ý THU
Cây đa cổ thụ của làng Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Ý THU
Có tuổi đời hơn 200 năm, nên cây đa cổ thụ đã gắn bó sâu sắc với lịch sử của làng. Thời kháng chiến chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời kháng chiến chống Mỹ, ngọn đa là nơi treo kẻng báo động, là chòi canh gác máy bay. Cũng tại gốc đa này, vào năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã mở Trường Bồi dưỡng chính trị, quân sự cho cán bộ, chiến sĩ (thường gọi là trường miền Nam).
 
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và đi qua năm tháng chiến tranh ác liệt, nhưng cây đa của làng Phước Xã vẫn tỏa bóng mát giữa cánh đồng lộng gió. Cành đa vươn tới đâu, lại buông rễ đến đó. Cây đa này từng là địa chỉ dừng chân của khách thập phương, là nơi hóng mát của bao nông dân sau buổi đồng áng nhọc nhằn. Cũng tại gốc đa và bến nước cạnh gốc đa này, người làng Phước Xã từng tề tựu về đây gánh nước, vo gạo, rửa rau, tắm, giặt... Hình ảnh cây đa vì thế mà trở nên gần gũi, lặng lẽ đi vào tâm thức của bao thế hệ người làng Phước Xã và trở thành một phần hồi ức không thể nào quên.
Vào ngày 12.12 vừa qua, UBND xã Đức Hòa đã tổ chức đón nhận Quyết định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây đa Phước Xã là Cây Di sản Việt Nam. Cây đa có chiều cao 35m, đường kính gốc cây gần 10m cùng hàng chục rễ phụ, phải đến gần 20 người ôm mới xuể.
Gìn giữ cho muôn đời sau
 
Xem cây đa như biểu tượng, như linh hồn của làng, nên người làng Phước Xã trân quý, nâng niu cây đa như “báu vật” xanh của làng. “Bao năm qua, dù không xây dựng thành quy chế, quy ước riêng, nhưng người làng đều không ai bảo ai, luôn tự ý thức bảo vệ cây đa cổ thụ và xem đây là biểu tượng linh thiêng, trang nghiêm của quê hương. Thậm chí, rễ cây lan tỏa đến phần đất nhà nào, thì nhà nấy tự giác chừa lại phần đất ấy cho rễ cây đi qua, chứ không đời nào chặt rễ, hoặc trồng cây cối, hoa màu gần đấy”, ông Trần Văn Năm, người làng Phước Xã, cho hay.
 
Với người làng Phước Xã, cây đa cổ thụ còn là nơi linh thiêng, được người làng dùng làm nơi tổ chức các lễ cúng trọng đại. Vào ngày 20 tháng Chạp hằng năm, cứ đến ngày này, người dân lại tề tựu cúng Tất niên làng dưới gốc đa. Sang đến tháng Giêng, vào ngày mùng 10, nhân dịp đầu xuân năm mới, con cháu trong làng dù ai đi ngược về xuôi, cũng về quê tham gia lễ cúng đầu năm.  
Cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi đã trở thành biểu tượng của làng Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) suốt bao nhiêu năm tháng.         Ảnh: Ý THU
Cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi đã trở thành biểu tượng của làng Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) suốt bao nhiêu năm tháng. Ảnh: Ý THU
Rồi đến tháng 4 âm lịch, cũng ngay tại gốc cây đa cổ thụ này, người làng Phước Xã lại long trọng tổ chức cúng nghĩa từ vào ngày 16. Đây là một trong những lễ cúng quan trọng bậc nhất của làng. Dưới bóng cây đa cổ thụ, nghĩa từ của làng được dựng xây và trải qua 3 lần sửa chữa, trùng tu. Trong đó, lần gần đây nhất là vào năm 2016, do một bậc bô lão của làng là ông Trần Quang Trị đứng ra khởi xướng, vận động bà con làng xóm và người thân gần 60 triệu đồng dựng nên. 
 
“Nghĩa từ được người làng đóng góp xây dựng ngay dưới gốc cây đa cổ để thờ cúng  những người chết vì nhiều lý do khác nhau, nhưng không có người thân thích, hương khói. Đây là tín ngưỡng dân gian thể hiện đạo lý xưa nay của người Việt, là sự cảm thông sâu sắc của người đang sống với những thân phận bất hạnh đã khuất, nên được nhiều thế hệ người làng gìn giữ, bồi đắp và chăm lo thờ cúng hằng năm rất long trọng, chu đáo” lão ông Ngô Văn Hoa, người chăm lo hương khói tại nghĩa tự, chia sẻ.
 
Cứ thế, vào mỗi đợt tế lễ hằng năm, dưới bóng cây đa cổ thụ, con cháu trong làng Phước Xã lại tụ tập đông vui, vừa ôn chuyện quá khứ của làng, vừa chia sẻ, tâm sự về những chuyện mai sau. Tinh thần cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm vì vậy mà ngày càng gắn bó bền chặt, như những rễ cây đa đan cài, bám chặt trên mảnh đất đong đầy tình người bên bờ sông Thoa này.
 
Ý Thu
 
 
 
 
 

.