Nhớ bún mắm cua đồng

10:12, 18/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Món bún mắm cua đồng có mùi đặc trưng mà nếu ai không quen khó mà chịu được. Lần đầu được tiếp xúc món ăn đó, tôi cũng phải bịt mũi quay đi vì cái mùi khó ngửi ấy, nhưng đã ăn một lần thì ít ai quên được hương vị mộc mạc của nó.
[links()]
Hằng năm, vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi những cơn mưa dai dẳng bắt đầu thưa dần thì cũng vào mùa bắt cua đồng ở quê tôi. Còn nhớ ngày xưa, khi chị em tôi đang học tiểu học trường làng, vào thời điểm trước khi vào vụ đông xuân, ruộng đồng đã được cày xới chờ gieo sạ thì cứ sau mỗi buổi học chúng tôi lại cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau đi bắt cua.
 
Trang bị của mỗi đứa chỉ là cái que kẹp sắt gắp than trong bếp và một cái bao xác rắn là đủ. Cua càng nhiều càng thấy ham, cả lũ bắt hoài không biết mệt, đứa nào đứa nấy mặt mũi tay chân lấm lem bùn đất. Chỉ vài giờ trong một buổi chiều đứa nào bắt tệ cũng kiếm được gần chục ký. 
 
Bún mắm cua đồng.      Ảnh: Internet
Bún mắm cua đồng. Ảnh: Internet
 
Cua đồng bắt về thường được mẹ chế biến thức ăn hằng ngày với nhiều món ngon như bún riêu cua, lẫu cua, canh cua rau đay, cua nấu mướp, canh cua lá gừng... Nhưng có khi cua nhiều quá nấu không hết, thế là bà Năm bà Bảy lại sang xách về làm món mắm cua.
 
Trong dân gian có nhiều cách muối mắm cua, riêng ở quê tôi quy trình làm mắm cua cũng lắm công phu. Cua bắt về thả vào thau lớn, đổ nước gạo ngâm một đêm cho chúng lội, rửa sạch bùn đất; thay nước thêm ba bốn lần cho thật sạch rồi bắt đầu lựa cua. Khâu này quan trọng quyết định mắm ngon hay dở, bắt từng con một còn sống qua một thau khác, không lấy cua lột hay bất cứ một con nào dù mới chết, sau đó tách mai lấy yếm rửa sạch cùng với muối hột, cho vào cối giã nhuyễn. 
 
Tiếp đó lọc lại với nước, bỏ xác. Thêm vào tí muối, bột ngọt, củ nén đập dập, bắt lên bếp để lửa nhỏ liu riu... tay đảo liên tục cho đến khi nước cua sôi nhẹ thì nhấc xuống. Chờ cho nước ấm ấm xắt lá nén, ít lá gừng non và thật nhiều ớt. Đợi nguội hẳn cho vào chai hay lọ thuỷ tinh hoặc vào hũ sành sứ, đậy kín rồi đặt cạnh bếp củi hoặc đem phơi nắng. Sau khoảng 10 ngày hũ mắm dậy lên đầy đủ hương vị, thơm ngon, có thể chan ăn với cơm nóng và chấm các loại rau luộc. Có thể dùng mắm cua nêm vào các món chiên, xào, kho... đều hợp cả. Nhưng ngon nhất vẫn là món bún mắm cua đồng.
 
Chị em tôi luôn canh me hũ mắm cua nơi góc bếp, sau mỗi buổi học đều ghé mũi hít hà, đến khi nghe mùi thơm nồng nơi góc bếp chúng tôi lại kỳ kèo mẹ mua cho ít bún gạo tươi cùng mớ rau sống với nhiều giá đỗ.
 
Những ngày mưa rả rích mà có tô bún chan cùng mắm cua đồng với mùi cua thơm phức, ngon rít lưỡi, vị cay,  mùi lá nén, lá gừng quyện vào vị cua tạo nên hương vị thật khó quên. Món này có thèm đến mấy cũng không thể mua được ở cửa hàng hay siêu thị như những loại mắm khác. Vì thế mỗi lần về quê, được “chiêu đãi” chỉ bún ăn với mắm cua đồng thôi, chắc chắn cũng đã cơn thèm!
 
VŨ YẾN
 
 
 

.