(Báo Quảng Ngãi)- Chợ Chùa vừa là tên chợ, vừa là tên thị trấn của huyện Nghĩa Hành. Nằm ven Tỉnh lộ 624B, cách TP.Quảng Ngãi 8km về hướng tây bắc, dấu tích của chợ Chùa xưa còn lại là miếu bà nằm bên chợ, nơi con người đã in dấu trên vùng đất một thời buôn bán sôi động giữa hai miền Kinh - Thượng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trở lại thị trấn Chợ Chùa, chúng tôi được gặp một số cụ cao niên từng gắn liền với chợ Chùa. Cụ Nguyễn Thiệt (1938) ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) thong thả ăn sáng bên góc chợ Chùa bảo: Thỉnh thoảng tôi đến chợ Chùa, không phải mua những thứ cần thiết mà chỉ để nhớ về ký ức xa xưa...
Theo lời kể, tuổi thơ ông Thiệt sớm gắn liền với chợ Chùa. Mới lên 7 tuổi ông đã bị tật ở chân, nên sớm học nghề may vá. Tiệm may của ông nằm bên hông chợ Chùa. Vì vậy, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện văn hóa, sự phát triển, giao thương một thời ở chợ Chùa.
Chợ Chùa (Nghĩa Hành) hôm nay. |
Chợ Chùa ngày đó cũng họp như bây giờ, nhưng chợ họp sớm, rồi tan nhanh. Đông đúc nhất là vào những ngày chưa đến phiên chợ Tam Bảo (xã Hành Dũng). Người từ miền núi Minh Long xuống chợ gùi theo các mặt hàng nào là lá chè tươi, đót, tre mây, mật ong... Theo dòng sông Phước Giang, các thương lái ở miền xuôi đưa ghe thuyền lên họp chợ mang theo mắm, muối, rựa, dao, cuốc, xẻng, các loại bình gốm, chum, chóe rượu cần bày bán.
Ông Thiệt cho hay: Qua các loại nông, lâm, thổ sản bày bán ở chợ, đã phản ánh bức tranh kinh tế một thời nghèo khó của người dân. Nhưng chợ đã cho trẻ thơ chúng tôi nhiều kỷ niệm. Mỗi lần mẹ đi chợ về, trong giỏ luôn có những món quà dành cho trẻ. Đôi khi chỉ là cái bánh ít gói trong lá chuối, đường non, kẹo dừa hay lọ mực, bút lá tre, tập vở, nhưng đứa nào cũng vui.
“Chợ vui nhộn hơn cả là vào mùa xuân. Bởi, chợ lúc này không chỉ bày bán nhiều mặt hàng với đủ sắc màu, mà còn có đội hát bội, hát bài chòi... Người đến chợ có cả đàn ông lẫn phụ nữ, người xem, mua hàng, người may quần áo. Lúc ấy, tôi đã biết may vá. Những thước vải ta bình thường cho đến vải polyester - một loại vải của dân giàu có bấy giờ cũng được đưa vào tiệm tôi may khá nhiều”, ông Thiệt nhớ lại.
Rồi theo năm tháng, anh em ông Thiệt mỗi người mỗi ngả, người theo cách mạng ra miền Bắc tập kết, người vào Nam sinh sống. Chợ đã di dời nhiều nơi và bây giờ nằm ở vị trí cũ, mở rộng hơn, nhưng mỗi khi nhắc đến chợ Chùa, ai cũng nhớ về miền ký ức xa xưa gắn liền với tuổi thơ nghèo khó.
Miếu thờ - dấu xưa còn sót lại nơi chợ Chùa. |
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lê Hồng Khánh, thì tên chợ Chùa xuất phát từ thời Lê Trung Hưng, ở vùng đồng bằng Đàng Ngoài xuất hiện một loại hình chợ gọi là chợ chùa hay chợ tam bảo (danh từ chung). Đây là các chợ họp tại sân hoặc bãi, cạnh các ngôi chùa của làng (đất vua, chùa làng); thu nhập từ chợ đưa vào các nhà chùa quản lý mà không phải nộp cho triều đình, đất đai xây dựng chợ thuộc quyền sở hữu của nhà chùa.
Có chợ chùa, địa phương họp chợ sẽ tránh được sự nhũng nhiễu của các quan lại phong kiến, nhất là những o ép về thuế cũng như các khoản nộp khác; đồng thời họ có thu nhập để xây dựng, tu bổ chùa và làm những việc thiện tâm khác theo giáo lý từ bi, hướng thiện của nhà Phật.
Hiện nay, ở chợ Chùa còn có một miếu thờ gắn liền với ngôi chợ. Chưa ai lý giải được điều này, nhưng theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, đây phải chăng là dấu xưa còn sót lại gắn liền với sự ra đời của chợ Chùa.
Bây giờ, chợ đã khác xưa, nhưng những người “xưa cũ” mỗi khi về chợ đều ghé ngang miếu thờ, thắp nén hương để tỏ lòng nhớ về vùng đất, cầu sự an yên. Bà chủ một quày bán bánh mì sát bên miếu thờ cười hiền, bảo: Chiếc xe bán bánh mì này đã “ké” bên miếu thờ hơn 20 năm.
Người đến chợ Chùa buôn bán, ghé miếu thắp nhang cũng có ghé tôi mua bánh ăn sáng. Chưa ai kể tôi nghe về câu chuyện miếu gắn liền với tên chợ Chùa, nhưng nhờ buôn may bán đắt, nuôi sống gia đình, nên hằng ngày tôi đều đến quét dọn, thắp nhang trong miếu để tỏ lòng thành kính.
Nơi tiếp tế cho Ủy ban kháng chiến
Cụ bà Nguyễn Thị Vãn (1932), có nhà gần Khu lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, kể: “Nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho cán bộ cách mạng hồi đó chủ yếu là ở chợ Chùa. Thông qua những người mẹ quê mua giúp hay chế biến sẵn để hỗ trợ. Nhà tôi ngày đó nghèo, con đông, nhưng mỗi sớm mai đi chợ về có trái chuối, con cá, mắm muối cũng chia phần cho cán bộ. Tình cảm giữa dân làng và cán bộ cách mạng rất gần gũi, khắng khít”.
|
Bài, ảnh: MAI HẠ