(Baoquangngai.vn)- Khi nhắc tới món ăn xu xoa, người ta nghĩ ngay đến miền biển đảo như Lý Sơn, nơi có nguồn rong biển dồi dào. Thế nhưng, nghề này cũng theo những lái buôn di cư về phố. Họ thu mua rồi chở về thành thị, phơi khô để cung ứng cho thị trường và nấu bán cho khách, kiếm lời, hình thành một xóm nhỏ chuyên làm nghề này.
Nghề lâu đời
Món xu xoa được nấu từ rau xu xoa, một loại rong biển mọc tự nhiên. Mùa rong biển rộ nhất là vào khoảng tháng Giêng cho đến tháng 5 Âm lịch hằng năm và đây cũng là lúc con đường Nguyễn Văn Linh, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) trở nên bận rộn nhất. Người dân ở đây tất bật vào mùa sơ chế nguyên liệu để cung ứng ra cho thị trường, khách hàng chủ yếu là những người bán xu xoa trong tỉnh.
Bà Dương Thị Kim Hương, 54 tuổi bộc bạch, bà đã có 30 năm gắn bó với nghề làm rau xu xoa tại khu vực này. Còn để tỏ tường hơn về gốc gác của nghề thì bà cũng chỉ nghe kể lại từ các bậc cao niên nhưng ước cỡ cũng trăm năm. Nhiều nhà đã trải qua mấy đời làm nghề.
Ở đường Nguyễn Văn Linh thuộc phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) có nhiều hộ dân làm nghề chế biến rau xu xoa. |
Nhớ lại cái thời hưng thịnh của nghề trước đây, nhất là cái thời bà mới theo chồng về, nghề này xôm tụ vô cùng. Cả xóm ai cũng làm. Mọi người quây quần bên nhau, đi ra đi vào phơi rong biển đều đụng mặt. Hằng ngày tấp nập người ra, kẻ vào hỏi giá, thu mua.
Bà chép miệng: “Nghề này khá là vất vả, chẳng khác mấy nghề nông. Rau phơi nắng thì mình cũng phơi nắng, chỉ có khi nó khô rồi thì mình mới vào trong mát. Vì thế mà từ chỗ cả xóm làm, bây giờ chỉ còn duy nhất có 3 hộ dân còn gắn bó. Trong số 3 hộ dân ấy có gia đình tôi”.
Để có nguồn nguyên liệu, các hộ dân phải tỏa đi khắp nơi để săn lùng. Khi nguồn rau xu xoa trong tỉnh không đủ cung ứng, họ lại rong ruổi theo những chuyến xe đến các tỉnh xa hơn ở khu vực miền Trung như Nha Trang, Phú Yên... để thu mua.
Rau xu xoa mang về ban đầu chưa qua sơ chế, nên còn sót, dính nhiều san hô, rác. Đầu tiên phải ngồi gỡ từng cọng nhỏ để phân loại. Công đoạn này rất vất vả, công phu.
Rau xu xoa mang từ biển về bán với giá khoảng từ 220.000 đồng- 250.000 đồng/1 kg thành phẩm. |
Rau khi sơ chế ban đầu, các hộ dân tranh thủ dậy sớm kéo cộ ra tận bờ sông Trà Khúc rửa sạch, mang về phơi cho kịp nắng từ sớm. Phơi cũng độ vài nắng về phân loại thêm vài lần mới mang ra cung ứng cho thị trường.
“Mỗi tháng các hộ dân làm đến vài tấn rau nguyên liệu. Một tấn ban đầu làm xong cũng chỉ còn 1 tạ “rau sạch”, bảo sao tay không chai sần, nứt nẻ. Nắng sương bươn chải, da cháy sạm. Phụ nữ làm nghề này không mơ đến chuyện có dung nhan đẹp được đâu”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, 53 tuổi, hàng xóm bà Hương cười vui cho biết.
Cực thì có cực nhưng theo người dân không phải không có lời, nhất là mùa rong biển được mùa, được giá. Trung bình mỗi tháng mỗi hộ cũng cung ứng cho thị trường ít nhất cũng cả tạ thành phẩm. Có vậy, những gia đình ở đây mới có kế sinh nhai lâu dài, nuôi con cái ăn học, trưởng thành.
"Xu xoa mang về- 15K/1 hộp"
Trong vài năm trở lại đây do người dân biển khai thác rong mơ theo kiểu tận thu nên số lượng thu mua được giờ cũng ít hơn. Nếu như nhiều năm trước đây, mỗi tháng thu mua, cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn rau xu xoa chưa xử lý thì giờ đây cũng giảm chỉ còn 1 tấn/ tháng.
Giá rau xu xoa thành phẩm vì thế cũng sẽ tăng giảm theo sự khan hiếm rong mơ ở các vùng biển. Trước đây có 150 nghìn đồng/1kg, bây giờ giá lên khá cao, khoảng 250 nghìn đồng/kg.
Nghề nấu xu xoa bán hộp được nhiều người dân ở đường Nguyễn Văn Linh mưu sinh. Giá mỗi hộp khoảng 15.000 đồng. |
Nghề chế biến, buôn bán ở đây cũng vì thế mà vất vả hơn. Giờ đây, ngoài làm nghề để bán nguyên liệu, nhiều người chuyển làm thêm nghề nấu bán xu xoa mang đi. Từ chỗ nghề “rụng dần”, nay cả một đoạn đường dài của xóm vì thế xôm tụ hơn với hình thức buôn bán mới hơn, có sự tham gia thêm của nhiều hộ dân để mưu sinh.
Những ngày dịch Covid- 19 bùng phát, trong khi nhiều lao động tự do mất việc làm thì bà Phùng Thị Thuận, 61 tuổi lại có thu nhập ổn định từ công việc này. Khi nghề vé số mà bà đồng hành hàng chục năm nay bị tạm ngưng, bà đã quyết định từ bỏ để học nghề nấu bán xu xoa bán cho khách dọc đường.
Nói về phương pháp nấu xu xoa ngon, bà cho biết, rau xu xoa sau khi làm sạch đất, đá, sỏi sẽ được ngâm vào nước qua đêm, sau đó bỏ vào nồi và cho nước cao hơn rau một chút. Sau 3 giờ nấu trên bếp lửa rau sẽ chín rục và nước sánh lại. Quá trình nấu không nên cho nhiều nước và đừng quên vắt chanh bỏ vào, bởi chỉ có chất chua thì rau mới đông lại. Đổ hỗn hợp xu xoa đã nấu vào túi lọc, dùng tay vắt hết nước ra, sau đó đổ xu xoa ra hộp khoảng 30 phút, xu xoa sẽ đông cứng lại.
"Tuổi tôi đã cao rồi, thôi thì thì gắn bó luôn nghề này để lấy công làm lời. Cũng may đoạn đường này công nhân qua lại nhiều. Mỗi hộp 15.000 đồng, ngày nào cũng kiếm được ngày hơn trăm nghìn", bà Thuận nói.
Rất đông người dân yêu thích món ăn này dừng chân ghé mua. |
Anh Nguyễn Tấn Tài, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, cho hay: “Thấy ở đây bán đông vui, mình cũng hay ghé mua. Vì là vựa cung cấp rau xu xoa nên so với ở nhiều nơi, ở đây bán rất rẻ. Mình biết nghề này nếu nấu không vệ sinh ATTP thì rau sẽ không đông. Bí quyết của người mua là phải chọn những hộp đông cứng nhất thì mới ngon và nên để ý chỗ nào buôn bán vệ sinh hãy mua”.
Từ chỗ chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu rau rong biển cho người dân nấu xu xoa, rồi tưởng chừng sẽ bị "xóa sổ" do chẳng còn mấy ai mặn mà thì giờ đây những hộ dân này còn nấu bán xu xoa đã tạo nên một con đường ẩm thực mới cho xóm. Để những ai khi đến đây đều nghĩ ngay đến một món ăn bổ, rẻ và cũng là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi, được niêm yết giá sẵn với lời chào nhiệt tình "Xu xoa mang đi- 15K/1 hộp".
Bài, ảnh: Thiên Hậu