(Báo Quảng Ngãi)- Chợ Đình, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) nổi tiếng từ xa xưa với mặt hàng nón lá. Theo dòng chảy của thời gian, nghề làm nón lá dần mai một, để lại sự tiếc nuối trong lòng những ai từng yêu quý chiếc nón lá chợ Đình.
Một thời tấp nập
Bên chiếc khung làm nón lá, bà Bùi Thị Xí (73 tuổi) ở xóm Khánh Tượng, thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình như quay trở lại thời gian khi bà ở tuổi đôi mươi. Ngày đó, nhà nào cũng có khung làm nón, nhiều nhất là các thôn Bình Nam, Bình Bắc.
Bà Bùi Thị Xí (ở giữa) thường đem khung làm nón ra ngắm nghĩa và kể chuyện cho các cháu nghe về nghề truyền thống của cha ông. |
Bà Xí cũng không nhớ rõ nghề làm nón có từ bao giờ. Trong ký ức của bà là khoảng sân mỗi nhà phơi kín những chiếc lá đuông, nguyên liệu làm nón, được người dân mua ở các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà. Bà Xí kể: Chúng tôi đi gánh cát rồi trải lá nón lên đạp cho phấn lá nón tróc ra. Sau đó đặt từng lá nón lên miếng gang hong nóng để vuốt lá cho thẳng, vót 20 tuyến bằng tre đặt lên khuôn và bắt đầu chắp lá, chằm nón.
Mỗi nón chằm ba lớp lá, hai lớp ngoài là lá nón non, lớp bên trong lá già hơn. Khi chằm xong, phủ bên ngoài lớp dầu thông; bên trong kiềm bốn thanh bằng tre cho nón chắc, bền. Nhớ nhất là vào những buổi tối, các chị em quây quần bên chiếc đèn dầu, kể cho nhau nghe các chuyện thường ngày, đôi tay vẫn thoăn thoắt tạo đường chiếc nón.
Sau khi làm xong những chiếc nón, các bà, các chị gánh đến chợ Đình bày bán. Nón lá chợ Đình được ưa chuộng bởi sự đơn sơ, mộc mạc, phù hợp với nhiều người. Nông dân làm ruộng, hay các thiếu nữ ra đường, đi chợ... đều đội nón lá để che nắng, mưa.
Ngày ấy, nghề làm nón lá đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. “Nhờ sự hưng thịnh của nghề làm nón lá mà gia đình tôi mua đất, xây nhà, nuôi 7 người con khôn lớn”, bà Xí cười nói.
Giờ chỉ còn trong ký ức
Bà Xí vẫn không thể nào quên những ngày tháng đạn bom ác liệt, người dân xã Tịnh Bình khi đi lánh nạn vẫn không quên đem chiếc khung nón theo bên mình. Hòa bình lặp lại, người làm nón lá Tịnh Bình vững tin sống với nghề. Tiếng xào xạc của lá nón, mùi hương nồng khi hong khô, ép lá trên miếng gang nóng rực, tiếng khua khi đong đưa đường kim, mũi chỉ khâu nón...
Khung cảnh nhộn nhịp đó kéo dài đến những năm 2000. Dòng đời thay đổi, cuộc sống ngày càng hiện đại, cùng với việc nguyên liệu làm nón trong tỉnh dần cạn kiệt, nên người làm nón ở xã Tịnh Bình đành đổi nghề. Người trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề xưa, nên chọn đi làm ăn phương xa để có thu nhập cao hơn.
Nhớ lại quãng thời gian đã qua, bà Xí khẽ ngâm những câu ca mà lòng tiếc nuối: “Ai về nhắn với chợ Đình/ Ai chằm nón lá tận tình đôi ta/ Để cho duyên thắm mặn mà/ Cau buồng, trầu liễn Sơn Hà, Minh Long...”.
Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG