(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã hình thành các làng nghề truyền thống. Theo thời gian, mặc dù làng xã, xóm thôn đã thay đổi tên gọi, nhưng tên nghề vẫn là cái tên được người dân quen gọi, mặc định trong tâm thức, đó là tên gọi của làng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cái tên nói lên tất cả
Nằm dọc theo bờ biển, từ đầu làng An Kỳ trải dài đến giáp thôn An Vĩnh, đã tồn tại tên gọi xóm Lưới từ bao đời nay. Gọi là xóm Lưới vì ngư dân ở đây đánh bắt hải sản chủ yếu bằng các nghề lưới khác nhau. Trước tiên phải kể đến lưới mành, hết mùa mành ngư dân lại đi lưới chà, đánh bắt cá kình, cá liệt, cá trác...
Ông Phạm Cài (65 tuổi) cho biết: Xóm Lưới là một vùng đất nhỏ hẹp của Kỳ Đông thuộc thôn An Kỳ. Không biết tên gọi xóm Lưới có tự bao giờ, chỉ biết là rất lâu đời. Tên gọi chính thức theo địa giới hành chính là xóm Kỳ Đông, nhưng người dân vẫn quen gọi cái tên thân thương - xóm Lưới. Ở xóm Lưới, những người phụ nữ ai cũng biết đan lưới, chắp gai, đánh nhợ, giúp chồng vá lưới, nhà nhà, người người đều làm nghề lưới.
Ở xóm Lưới, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) nhà nhà, người người đều làm nghề lưới. |
Tên xóm, tên làng không chỉ đơn thuần là tên gọi, là sự khẳng định chỗ đứng chân, nơi bám trụ, mà còn chứa đựng cả những ước vọng của tổ tiên gửi gắm vào đó. Cũng có tên làng xuất phát từ đặc điểm riêng, như xóm Gành được đặt tên bởi nơi đây có nhiều gành đá. Hầu hết các hộ dân ở xóm Gành đều sống bằng nghề bắt sò, bắt ốc. Họ tranh thủ con nước để đi biển kiếm sống mưu sinh.
Ngoài xóm Lưới, xóm Gành, còn có xóm Câu. Ngày ấy, một xóm nhỏ thôn An Vĩnh có hàng chục hộ dân làm nghề đi câu. Theo các bậc cao niên, trước đây xóm Câu có hàng chục ghe thuyền lớn nhỏ chuyên làm nghề câu. Theo thời gian nghề câu được lan rộng và phổ biến cho ngư dân trong và ngoài xã. Hiện nay, họ làm đủ các nghề đánh bắt, nhưng nghề câu và tên gọi xóm Câu vẫn tồn tại trong tâm thức của người dân.
Tên làng đọng mãi với thời gian
Trong trường ca “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một câu thơ giản dị, nhưng vô cùng dễ nhớ khi nói về tình cảm của nhân dân đối với làng, xã: ‘‘Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân...’’. Tên làng, tên xã trong tâm thức của nhiều người không chỉ là để định danh, mà chính là một phần máu thịt thiêng liêng trong tâm hồn.
Theo các cụ cao niên, trong quá trình phát triển của quê hương, của cộng đồng, ở mỗi làng quê, thôn xóm, người dân xã Tịnh Kỳ từng tồn tại ít nhất một nghề, một sản phẩm truyền thống. Từ những sản phẩm truyền thống ấy đã kết tinh thành giá trị, làm nên bản sắc văn hoá từng xóm nhỏ, được người dân mỗi xóm gọi bằng những tên gọi đầy thân thương và tự hào.
Chính bởi thế, xóm Bóng - tên một xóm nhỏ của Kỳ Bắc, thôn An Kỳ, cả xóm vỏn vẹn có vài ba chục nóc nhà, nhưng nhà nào cũng liên quan đến nghề bóng. Ngày nay, dẫu nghề bóng đã mai một, nhưng cái tên xóm Bóng đến giờ vẫn được nhiều người quen gọi, xem như một địa danh cùng tên với một nghề mà cha ông của họ đã sinh ra. Bởi, dẫu ở thời đại nào, thì trong tiềm thức của người dân xã Tịnh Kỳ đều đậm sâu hình bóng quê hương, xứ sở.
Ông Phạm Văn Dũng (88 tuổi) ở thôn An Kỳ bộc bạch: Với một số xóm, dù tên chính thức đã lưu vào sử sách, nhưng họ vẫn gửi gắm vào những cái tên chân phương ấy những ước vọng ngàn đời ngay cả khi đói khổ, cơ cực. Tên xóm làng đâu chỉ đơn thuần là cái vỏ âm thanh mà chất chứa những giá trị văn hoá, thuỷ chung trong tình cảm con người và được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mỗi tên xóm, tên làng đều mang giá trị văn hóa, đi vào lòng người. Có những cái tên đã đi cùng dặm dài lịch sử của vùng đất, chứng kiến những thăng trầm của bao thế hệ con người gắn bó cùng làng. Tên làng xóm là gốc gác, nguồn cội, bao hàm cả giá trị văn hóa, tình cảm - là những cái còn đọng mãi với thời gian.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN