Nghĩ về cách đặt tên làng

02:05, 25/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng xã ở Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hoá, xã hội. Đặc trưng này thể hiện rõ nét ở Quảng Ngãi.  

Quá trình hình thành làng xã thời xưa

Không như các đơn vị từ tổng (tên gọi ngày xưa), xã, đến huyện, tỉnh (ngày nay) chủ yếu mang tính chất hành chính. Đơn vị làng xã xưa vừa mang tính hành chính, lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá của địa phương, dân tộc. Các làng xã xưa hầu hết hiện thân dưới tên thôn của thời kỳ hiện đại, hàm chứa chiều sâu lịch sử và có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hoá, xã hội.       

Theo tài liệu về địa lý hành chính của tỉnh Quảng Ngãi thì làng xã của người Việt ở miền xuôi Quảng Ngãi có đặc điểm bắt đầu hình thành dưới thời Lê Sơ, nhưng chủ yếu từ thời chúa Nguyễn trở về sau, gắn liền với quá trình di cư và khai khẩn. Những người tổ chức khai khẩn lập làng đầu tiên thì gọi là tiền hiền, được vua ban sắc phong tri ân, thờ phụng. Những người có công kế tục khai khẩn thì được tôn là hậu hiền. Làng xã có người đứng đầu, tuỳ theo thời kỳ mà gọi là lý trưởng, hay tri phủ. Số dân các làng xã đầu tiên phần lớn từ Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ vào lập nghiệp sinh sống cùng cư dân bản địa. Các làng xã sau này thì một phần quan trọng là do cư dân sinh trụ tại chỗ.
 

 

 Nhiều cách đặt tên làng khác nhau ở nông thôn Quảng Ngãi.
Nhiều cách đặt tên làng khác nhau ở nông thôn Quảng Ngãi.

Về danh xưng hành chính của các làng xã, tuỳ theo trường hợp mà có thể gọi là xã, thôn, vạn, ấp, trại, phường. Việc đặt tên gọi (địa danh) cho từng làng xã cụ thể cũng có nhiều cách khác nhau. Dễ nhận biết nhất là làng xã được đặt tên theo đặc điểm tự nhiên hay sinh hoạt của làng xã đó. Như tên Thạch Trụ - nghĩa là cột đá, vì ở đây có cây cột đá mọc tự nhiên; Thạch Bi - làng có bia đá (của người Chăm); Giao Thuỷ - làng ở chỗ có các con nước giao nhau. Làng xã được đặt tên theo cây trồng hay cây dại như Lam Điền (ruộng Chàm); Quýt Lâm (rừng Quất), Ba La (làng cây mít, cây sung).

Có làng xã được đặt theo nghề nghiệp. Đây là trường hợp hơi hiếm, vì ở Quảng Ngãi ít có làng nghề, như trường hợp Chú Tượng Ty - có nghĩa làng làm nghề đúc đồng (ở Mộ Đức); Lò Thổi (Bình Sơn).

Có làng xã lấy tên theo quê gốc. Với người Việt Nam, quê gốc rất thiêng liêng nên có làng xã người ta lấy tên quê gốc đặt cho tên quê mới như Vạn Phước (phúc), An (yên) Mô, đều có gốc từ Bắc Bộ. Sau khi hình thành thêm làng ở quê mới, chỉ thêm hai chữ “tân lập” (mới lập).

Làng lấy tên theo ý chí, ước nguyện hay với một ý nghĩa bóng bẩy. Địa danh làng xã đôi khi không xuất phát từ những thực tế mà lại phản ánh phần ý nguyện bên trong của con người. Trường hợp này ở Quảng Ngãi có rất nhiều, như các làng xã có mang tên chữ Phú (giàu), An (yên ổn), Lộc (lợi lộc), Vinh (tươi tốt), Thọ (lâu dài) như An Phú, Lộc An, Vinh Phúc, Lộc Thọ, Phú Quý…

Như vậy tên làng xã xưa ở Quảng Ngãi thường gắn với đặc điểm hoặc ý nguyện của con người thời mới lập làng và gắn bó với tên gọi đó qua nhiều thế hệ. Nhiều người con đi làm ăn xa vẫn luôn tự hào khi nhớ về quê hương gắn bó với tên làng xã của mình.

Sự chuyển biến tên làng qua các thời kỳ

Không phải các tên làng xã ở Quảng Ngãi đều giữ nguyên tên ban đầu của nó mà ngay từ thời phong kiến, do kỵ huý, do tách lập làng mới hoặc vì một lý do nào đó làng xã có sự thay đổi. Chẳng hạn do kỵ huý mà từ năm 1941, các xã Hoa Bân, Hoa Sơn phải đổi thành Văn Bân, Tú Sơn. Năm 1935, do cải cách hương thôn trong thời Pháp thuộc mà Phú Lộc đổi thành Kiến Khương, Trung Yên Thượng đổi là Phước Thành. Do tách lập trại mà Trà Bình có thêm làng mới là Trà Bình Trại; Vạn Phước thì có thêm Vạn Phước Đông, Vạn Phước Tây… Tuy nhiên số làng xã thay đổi tên gọi từ thời Pháp thuộc trở về trước không nhiều.

Bước sang thời kỳ hiện đại, tên làng xã xưa còn lưu lại có sự thay đổi tên gọi nhiều hơn. Bên cạnh tên hầu hết các làng xã lưu lại trong tên thôn, có một số làng xã không còn lưu giữ được tên làng cũ của mình. Như trường hợp xã Thanh Hiếu (thuộc huyện Đức Phổ). Nhiều thôn mang tên làng xã xưa khi tách lập thì đặt theo cách thêm các yếu tố Thượng, Hạ, Trung, Nam, Bắc, Đông, Tây, Một, Hai… như Vạn Xuân 1, Phú Lâm Đông, La Hà 3, Điện An 1, Thạch Trụ Tây, Hiệp Phổ Bắc, Hiệp Phổ Nam, Hiệp Phổ Trung… Tuy nhiên, cũng có tên làng xã xưa, hay tên thôn ngày nay khi có trường hợp tách lập, hoạch định hành chính thì không còn dùng yếu tố gốc mà thay vào đó là tên gọi theo số thứ tự (thôn 1, thôn 2 …) như trường hợp ở các xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Đức Nhuận, Đức Chánh (Mộ Đức)…

Nên trả lại tên cho làng

Nông thôn Quảng Ngãi ngày nay có nhiều khởi sắc nhưng vẫn giữ được nét làng xưa, với những đình chùa, cây cổ thụ, hàng cau, con đường, bến nước, luỹ tre xanh... tạo ra cấu trúc làng xã ngày càng  phồn thịnh, gợi lên nhiều vẻ đẹp của nông thôn.

Đặc biệt là trong những năm gần đây, nhờ thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làng xã ở Quảng Ngãi đã phát triển nhanh chóng hơn, toàn diện hơn với hệ thống thuỷ lợi, điện, đường, trường học, trạm xá, nhà ở khu dân cư… ngày càng hiện đại.

Về những làng quê ấy, đi trên các trục đường chính ai cũng dễ dàng nhận thấy cổng chào của làng được xây dựng khang trang với hàng chữ ghi rõ tên làng của mình. Ví dụ như  “Thôn An Thọ”, “Khu văn hoá thôn Diên Niên”... Qua đó nhận thấy, cho đến nay phần nhiều vẫn còn giữ được tên làng cũ của mình với những mỹ từ đẹp, gợi cảm, thân thương.   

Nhưng ở một số xã thuộc các huyện đồng bằng của tỉnh, đây đó vẫn còn thấy không ít cổng chào ghi tên làng bằng những con số như “Làng văn hoá thôn 1, thôn 2, thôn 3,…”  không mấy ấn tượng.

Khi chấp nhận việc đặt tên làng bằng những con số như thế là dấu hiệu bộc lộ phần nào sự mai một về bản sắc văn hoá của làng xã người Việt ở Quảng Ngãi. Dần dần sẽ tác động vào lớp trẻ khiến chúng thờ ơ, ít quan tâm đến quá khứ tốt đẹp của làng mình. Nên chăng những tên làng cũ trước đây đã được thay thế bằng số, xoá mất yếu tố gốc của làng trong quá khứ đã hình thành từ lâu đời, thì nay nếu có điều kiện nên trả lại tên gốc của làng, hoặc có thể đặt bằng tên mới với những mỹ từ đẹp, hàm chứa nhiều ý nghĩa  sâu sắc sẽ hay hơn là dùng những con số như trường hợp nêu trên. Có như vậy thì yếu tố văn hoá, văn minh của tên làng càng thể hiện nổi bật hơn. Qua đó tạo thêm những ấn tượng tốt đẹp trong lòng con em của làng mình và du khách phương xa khi có dịp đến thăm làng.
   
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 
 

.