Tìm về chợ Két

10:01, 06/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nằm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), chợ Két hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua. Tại đây, các mẹ, các chị bày bán những mặt hàng dân dã, cây nhà lá vườn hoặc chính tay "nhà làm". Bởi thế, dù là chợ nhỏ, nhưng nơi này đã tồn tại qua nhiều biến cố và cái tên chợ được người dân đặt từ loài chim két trú ngụ khá nhiều ở nơi đây.
Xuân Phổ Tây là một thôn nằm dọc theo ven sông Trà Khúc. Mỗi năm, sau khi kết thúc mùa mưa, lượng phù sa đổ về đây khá lớn, do đó những bãi bắp, ruộng mía phát triển xanh mướt. Theo nhiều người dân sống ở đây, trước kia, mảnh đất Xuân Phổ được mệnh danh là đất của những loại cây trồng như bắp, đậu, mía, khoai, sắn. Vì thế, hằng năm cứ tới ngày mùa, chim két lại kéo về đây sinh sản, làm tổ khiến mùa màng trở nên vui tươi hơn. Từ đó, người dân đặt tên cho chợ cóc của thôn là chợ Két. 
Hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua, chợ Két là nơi giao thương buôn bán đầu tiên của người dân thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua, chợ Két là nơi giao thương buôn bán đầu tiên của người dân thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Bà Nguyễn Thị Thanh, một người buôn bán lâu năm ở đây, cho biết: “Hồi trước chim két nhiều vô kể, chúng có phá bắp, phá đậu, nhưng không đáng kể. Người dân thường làm cây bù nhìn để đuổi két. Thế nhưng, có điều lạ là, nếu năm nào két không về thì năm đó chắc chắn là mất mùa. Và cái tên chợ Két cũng được các ông, các bà đặt theo loài chim này cho dễ gọi, dễ nhớ”.
 
Chợ Két gắn liền với đời sống của đa số người dân không chỉ ở thôn Xuân Phổ Tây, Xuân Phổ Đông của xã Nghĩa Kỳ, mà nơi đây còn là điểm đến của rất nhiều người ở các vùng lân cận. Họ đến đây để tìm mua những món hàng, thức ăn dân dã do chính tay các mẹ, các chị làm ra, hay những phẩm vật “cây nhà, lá vườn” được nhiều người bày bán. Nhờ nằm ngay ngã ba thôn, nên chợ Két rất thuận tiện cho mọi người giao thương, buôn bán. 
 
“Hồi trước chim két nhiều vô kể, chúng có phá bắp, phá đậu, nhưng không đáng kể. Người dân thường làm cây bù nhìn để đuổi két. Thế nhưng, có điều lạ là, nếu năm nào két không về thì năm đó chắc chắn là mất mùa. Và cái tên chợ Két cũng được các ông, các bà đặt theo loài chim này cho dễ gọi, dễ nhớ”.
 
NGUYỄN THỊ TÂM, người bán rau ở chợ Két

Bà Nguyễn Thị Tâm, một người buôn bán rau ở chợ Két cho biết: “Những ngày nắng, chừng 5 giờ sáng là chợ bắt đầu hoạt động, còn những ngày mưa thì họp chợ muộn hơn. Được cái, chợ này buôn bán cả buổi chiều nên rất thuận tiện cho nhiều người dân không có thời gian, rảnh rỗi vào buổi sáng. Hồi trước, chợ chỉ là những chòi tranh, gỗ tạm bợ. Nay có điều kiện, nên tiểu thương nào cũng “tân trang” sạp của mình. Chính quyền cũng tạo điều kiện cho chúng tôi buôn bán ở đây để tìm kế sinh nhai”.

Chợ Két cũng như bao chợ quê khác, những mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là rau quả, thịt, cá và những món ăn dân dã như bánh bèo, bánh đúc... Đặc biệt hơn, sau mỗi mùa lũ, người dân trong vùng lại mang ra chợ đặc sản mà chỉ ở các thôn Xuân Phổ mới có, đó là món dế rang, sùng đất chiên mắm để bày bán cho thực khách.
 
Anh Nguyễn Văn Cường, một người dân ở thôn Xuân Phổ Tây, cho hay: “Sau mỗi mùa lụt, thì dế và sùng đất là những con vật được nhiều người dân trong thôn săn lùng. Chúng phát triển rất nhanh, chỉ cần vài đêm đi săn thì có thể kiếm được vài ký mang ra chợ bán. Có năm sùng đất, dế lên đến 200 nghìn đồng/kg, nhờ đó mà nhiều người có nguồn thu nhập sau mùa mưa”.
 
Dù những đàn chim két tìm về làm tổ không còn nhiều như trước, nhưng trong ký ức của rất nhiều người dân ở Xuân Phổ, thì đây là mảnh đất của nhiều ký ức đẹp. Và đến nay, chợ Két vẫn còn tồn tại, người dân vẫn tổ chức buôn bán, giao thương hằng ngày. Đây được xem là nét văn hóa xưa, được người dân nơi đây gìn giữ mãi đến bây giờ.
 
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
 
 

.