Về Cao Muôn thăm ngọn nguồn cách mạng

09:09, 02/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mùa thu, về vùng núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ) không chỉ để hiểu thêm nơi ngọn nguồn Cách mạng Tháng Tám1945 ở Quảng Ngãi mà còn là dịp để ngắm nhìn những ngôi nhà sàn xinh xinh của đồng bào Hrê bên sườn đồi, đắm mình trong dòng thác trong xanh.
TIN LIÊN QUAN

Con đường về Cao Muôn bây giờ không còn khó đi nữa. Từ ngã ba xã Ba Thành xe cứ chạy một mạch qua Làng Teng, cầu sông Liêng rồi tiếp tục theo con đường bê tông mới mở đến khu vực trụ sở xã Ba Vinh. Rồi từ đây về thôn Nước Gia, băng qua những xóm nhà là đến nơi.
Núi Cao Muôn – nơi năm 1945, Đội du kích Ba Tơ chọn làm căn cứ trước khi tiến về đồng bằng.                ẢNH: TL
Núi Cao Muôn – nơi năm 1945, Đội du kích Ba Tơ chọn làm căn cứ trước khi tiến về đồng bằng. ẢNH: TL

Vùng núi Cao Muôn chào đón khách phương xa bằng dãy núi cao và dòng suối nước trong xanh. Đường xa tới  đây, du khách dừng chân nơi dòng thác, ngồi trên những phiến đá để hơi nước bốc lên mát rượi.

Ngước mặt nhìn lên thấy núi Cao Muôn cao vời vợi. Một màu xanh bạt ngàn của rừng tự nhiên bao phủ mà lòng chợt nhớ đến mùa thu xưa. Tháng 3.1945, những chiến sĩ cách mạng trung kiên ở Căng An Trí Ba Tơ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cùng với đồng bào các dân tộc trong huyện tiến hành vũ trang, nhất tề nổi dậy, làm nên cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ oai hùng.  

Sau khởi nghĩa, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức lễ tuyên thệ bên dòng sông Liêng rồi tiến về Cao Muôn lập căn cứ đêm ngày tổ chức học tập chính trị, quân sự trước khi tỏa về trung châu thành lập Đại đội Hoàng Hoa Thám và Phan Đình Phùng, trở thành lực lượng nòng cốt trong Khởi nghĩa tháng 8.1945.  

Trong đoàn quân du kích đó, nhiều người qua chiến tranh, trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Để rồi, sau chiến tranh có người tìm về nơi đây, thăm đồng bào dân tộc, nhớ lại một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Bên dòng suối xưa, tướng Nguyễn Đôn từng kể: “Hồi đó, thoát khỏi Căng An Trí, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền rồi thành lập đội du kích tiến về nơi đây, anh em như con chim giang đôi cánh rộng  tự do, say sưa làm cách mạng để đánh đuổi quân thù”.

Cảnh cũ còn đó, nhưng người xưa đã khuất. Công lao và sự nghiệp cách mạng của những người du kích trung kiên đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, đi vào những câu chuyện kể của người dân trên quê hương Ba Tơ anh hùng.

 Suối Cao Muôn.
Suối Cao Muôn.

Nhiều người còn kể ở vùng Cao Muôn, thời du kích Ba Tơ còn có bà mẹ Thía nghèo khổ thường ngày đi mót khoai, nhường gạo cho đoàn quân du kích. Đó là tấm lòng sắc son của người dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên quê hương.

Nhớ về lịch sử, rồi ngoái nhìn hiện tại. Bây giờ vùng Cao Muôn những xóm nhà của đồng bào dân tộc khang trang hơn. Nơi dòng suối xưa từng in dấu chân của đoàn quân du kích, giờ là điểm hẹn của các bạn trẻ ưa khám phá và nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của địa phương.

Đắm mình trong dòng thác Cao Muôn mát lạnh bạn sẽ hiểu hơn về suối nguồn chảy mãi. Nơi dòng suối có đàn cá suốt, cá niêng bơi lội tung tăng. Rồi trong khoảng không gian mênh mông của núi rừng, đây đó, tiếng gà rừng gáy vang cùng với tiếng chim hót trong veo, tiếng suối chảy ào ạt  hòa âm thành điệu nhạc của đại ngàn.

Cao Muôn lâu rồi là điểm hẹn cho những bạn trẻ ưa khám phá, muốn hiểu nhiều hơn về lịch sử địa phương. Ở đây, không hề có dịch vụ du lịch nên muốn về Cao Muôn bạn hãy tự chuẩn bị món ăn, thức uống cho riêng mình. Cách tốt nhất  trước khi về Cao Muôn bạn hãy đặt trước một con gà re nướng, gà re luộc chấm muối ớt, một ché rượu cần ở hàng quán khu vực trung tâm xã rồi chuyển về bên dòng suối Cao Muôn.

Bài, ảnh: Cẩm Thư
 

.