Tìm về đập Cây Gáo

10:09, 30/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa cánh đồng ruộng liên thôn Hoà Thọ và Vinh Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), vào năm 1965 đã xảy ra vụ thảm sát đập Cây Gáo. Đập Cây Gáo ngày ấy nay không còn, nhưng câu chuyện lịch sử thì vẫn được người dân nhắc đến.

TIN LIÊN QUAN

Ông Phạm Ngọc Quân (74 tuổi) ở thôn Vinh Thọ, xã Hành Phước kể: Ngày trước, đập Cây Gáo được nông dân trong xã xây dựng để phục vụ tưới, tiêu cho ruộng lúa. Dọc hai bên bờ đập là gò đất cao, mọc nhiều cây gáo lâu năm đan xen, do vậy nơi đây là nơi ẩn nấp của người dân khi địch mở những cuộc hành quân càn quét.

Tại cánh đồng lúa này là nơi đã xảy ra vụ thảm sát đập Cây Gáo. Ảnh: PV
Tại cánh đồng lúa này là nơi đã xảy ra vụ thảm sát đập Cây Gáo. Ảnh: PV

Ông Quân là nhân chứng sống trong vụ thảm sát năm ấy. Ông Quân nhớ lại: Tháng 5.1965, trong một cuộc hành quân càn quét tiến chiếm lại xã Hành Phước, ngoài xe tăng yểm trợ, địch còn dùng 3 chiếc trực thăng quần đảo trên bầu trời sẵn sàng bắn phá bất cứ một điểm nghi ngờ nào dưới đất.

Lúc này quân chủ lực của ta đã rút đi trước, còn lại một bộ phận nhỏ phối hợp với dân du kích địa phương chặn đánh mũi tiến công của địch từ thôn Hoà Vinh kéo lên. Để tránh địch, một số người dân di tản xuống hầm trú ẩn, một số ẩn nấp vào ruộng mía, còn lại đa số chạy men theo mương nước lên ẩn nấp ở đập Cây Gáo. Một số người đào hầm “ếch” để ẩn nấp, một số khác ẩn dưới gốc cây gáo.

“Địch dùng máy bay trực thăng tầm thấp để càn quét. Máy bay địch bay lên vùng đập Cây Gáo, xả những tràng đại liên vào người dân ẩn nấp dưới gốc gáo. Nhiều người bị bắn chết. Chỉ có vài người ẩn nấp sâu trong hầm mới còn sống sót", ông Quân cho hay.

Sau năm 1975, Hợp tác xã nông nghiệp cải tạo lại diện tích đất ở đập Cây Gáo để trồng lúa, đập được dời xuống phía đông cách đó khoảng 200m, xây dựng bờ kè chắn bằng bê tông cốt thép.

Trưởng thôn Vinh Thọ Trương Ngọc Hùng cho biết: Người dân trong thôn có nguyện vọng xây dựng bia tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại đập Cây Gáo. Đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng bia tưởng niệm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Hành Phước Võ Công Thành cho biết: Di tích vụ thảm sát đập Cây Gáo là chứng tích tội ác ghi lại hành động dã man của Mỹ - ngụy đã giết hại 36 thường dân vô tội. Di tích đã được UBND xã quy hoạch với diện tích đất 470,7m². Tuy nhiên, do kinh phí khó khăn, nên hiện tại khu tưởng niệm vẫn chưa được xây dựng.  


TR.ÂN - Đ.SƯƠNG

 

.