(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 20.8, tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định thuộc xã Tịnh Khê, Sở VH-TT&DL tổ chức lễ giỗ, dâng hương tưởng niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vị nguyên soái của lòng dân
Trương Định (1820) sinh ra và lớn lên tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam sinh sống. Năm 1850, thực hiện chính sách di dân lập ấp của triều đình nhà Nguyễn, ông trở về quê nhà chiêu mộ người vào khai hoang tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Đây là vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ... nhưng với khí chất, tính cách của người Quảng Ngãi đã giúp Trương Định kiên trì, đoàn kết với nhân dân, biến vùng đất Gò Công hoang vu thành ruộng đồng tốt tươi, trù phú. Vì có công mộ dân khai hoang lập ấp, Trương Định được bổ chức quản cơ, rồi trở thành Phó Lãnh binh (1861), Lãnh binh (1862).
Lãnh đạo tỉnh và nhân dân viếng hương tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã cưỡng lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái của nhân dân tôn phong, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Vào năm 1864, khi Trương Định chuẩn bị đánh chiếm lại Tân Hòa, thì bất ngờ bị quân Pháp đánh úp căn cứ vào ngày 19.8.1864. Mặc dù lực lượng mỏng, bị tấn công bất ngờ, nhưng nghĩa quân của ông vẫn chiến đấu quyết liệt. Đến rạng sáng ngày 20.8.1864, Anh hùng Trương Định bị trọng thương, biết không thoát khỏi tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết, để bảo toàn khí tiết của người anh hùng.
“Khi Anh hùng dân tộc Trương Định hy sinh, thì vợ ông là bà Lê Thị Thưởng cũng được đưa về Quảng Ngãi và triều đình cấp đất, lương bổng cho bà sinh sống. Điều này cho thấy triều đình nhà Nguyễn cũng đã thừa nhận phẩm chất anh hùng của ông”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL CAO VĂN CHƯ |
Khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1859 - 1864), nhưng đã để lại ý nghĩa trên nhiều mặt. Ông đã có vai trò quan trọng trong việc quy tụ toàn dân đồng tâm, hiệp lực của cứu nước và cuộc khởi nghĩa của Trương Định là tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa về sau. Sự hy sinh của ông đã để lại niềm thương tiếc của nhân dân Gò Công nói riêng và nhân dân Nam Kỳ nói chung.
Năm 2007, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở Quảng Ngãi được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Phó Giám đốc phụ trách BQL Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho biết: Hằng năm, Đền thờ Trương Định đón khoảng 9.000 lượt khách đến viếng hương và tham quan, tìm hiểu về lòng yêu nước và sự nghiệp đấu tranh giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Trương Định.
Em Lý Xuân Vy, học sinh Trường THPT Sơn Mỹ (Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Em rất tự hào vì sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng. Qua những bài học, lời kể của thầy cô giáo và ông bà đã giúp em thêm hiểu về những cống hiến của Anh hùng dân tộc Trương Định. Em luôn cố gắng học tập để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG