Rưng rưng rau rìu

02:08, 13/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Không rau ăn tạm lá rìu/ Không cha không mẹ nương chìu người dưng”. Rau rìu là thế đấy! Nó đơn sơ đến mức chỉ được nhắc đến như một loại rau để “ăn tạm”. Dẫu vậy, lại khiến lòng tôi cứ nhớ hoài không nguôi về một loại rau đã từng theo mình một thời ấu thơ...
TIN LIÊN QUAN

Nhắc đến rau rìu, tôi lại nhớ về những ngày mưa gió "sụt sùi" của tháng 9, tháng 10 âm lịch. Khi những vạc rau muống ngoài vườn bị nước mưa nhấn chìm cũng là lúc ông nội tôi xách chiếc mủng tre ra đồng nhổ rau rìu về ăn “tạm”. Rau rìu ngày ấy nhiều vô kể, chúng mọc xen lẫn với cỏ dại trên những bờ ruộng, gò đất sát nhà, nên chẳng khi nào nội tôi sợ thiếu rau.
 
Rau rìu luộc lên, chấm mắm cái rồi ăn kèm với cơm nóng.
Rau rìu luộc lên, chấm mắm cái rồi ăn kèm với cơm nóng.
 
Rau rìu mà ông nội hái về, thường được bà nội tôi luộc hoặc nấu canh. Bên mâm cơm đơn sơ, đạm bạc ngày mưa cùng ông bà nội ngày ấy, thường chẳng khi nào thiếu vắng dĩa rau rìu luộc nóng hổi cùng chén mắm cái dằm ớt thật cay. Ngày còn nhỏ, tôi thường chẳng mặn mà với mấy thức rau, nhưng riêng rau rìu, phần vì thấy lạ, phần thì nghe ông nội “rủ rê”, tôi tò mò nhấm thử, rồi đâm ra "ghiền" luôn từ đó.  

Rau rìu có vị ngọt thanh và hơi nhớt, nên ngoài luộc, còn rất hợp vị để nấu canh với cua đồng. Những lần thèm canh cua đồng nấu rau rìu, nội lại cầm chiếc gàu nhôm ra cánh đồng trước nhà bắt cua, hái rau. Cua mang về được nội rửa sạch bùn, gỡ mai, lấy gạch bỏ riêng ra chén. Mình cua được nội tách đôi, gom bỏ vào cối rồi giã nhuyễn. Thịt cua sau khi giã nhuyễn, nội dùng miếng vải  rây lược bỏ xác, chỉ lấy nước cốt rồi mang đi nấu canh.
 
Riêng những con cua có càng to, nội lặt riêng càng ra rồi để nguyên cho vào nồi. Chờ cho nước cua vừa sôi, nội bỏ từng nhúm rau rìu vào rồi đợi nước canh sôi bùng lại lần nữa thì tắt bếp. Nội bảo, lúc nấu canh rau rìu chỉ nên để lửa riu riu và gạt rau về một phía cho riêu cua dễ kết dính, cũng không nên để nước sôi quá lâu kẻo làm rau rìu mềm nhũn, sẽ mất ngon.

Vậy là với nguyên liệu có sẵn ngoài đồng, cả nhà tôi khi ấy được ngồi quây quần bên mâm cơm với nồi canh cua rau rìu dân dã, thơm nức mũi. Những vá canh ngọt đượm thịt cua kèm theo mớ rau rìu dai dai chan cùng cơm trắng khiến nồi cơm chẳng mấy chốc đã hết veo. Thưởng thức xong nồi canh rau rìu; nội vớt mớ càng cua đỏ au dưới đáy nồi rồi bẻ ra và gỡ lấy phần thịt trắng phau cho tôi cùng các em. Đơn sơ, mộc mạc vậy thôi, mà mâm cơm ấm cúng ngày mưa ở nhà nội tôi ngày ấy cứ “quấn quýt” trong tâm trí tôi mãi đến bây giờ.

Bây giờ, rau rìu không còn mọc trên bờ ruộng, gò đất nhiều như xưa. Tôi cùng chẳng còn ông nội kề bên để lại được cùng ông đội chiếc nón tơi ra đồng bắt cua, nhổ rau rìu về nhặt nhạnh, rửa sạch cho bà nấu canh. Vậy nên, khi bắt gặp ở góc chợ quen mà mình thường ghé, có cụ bà mang rau rìu ra bán rồi chào mời: “Ăn rau rìu không con?”, khóe mắt tôi tự dưng thấy cay cay... Rau rìu ơi, làm sao về được ngày xưa?

Bài, ảnh: Ý THU
 

.