(Baoquangngai.vn)- Tọa lạc gần bờ Nam sông Trà Khúc, núi Giàng và miếu thờ Công thần thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, nay thuộc TP.Quảng Ngãi), nổi tiếng là nơi có quần thể núi đá khổng lồ. Nơi đây còn ẩn chứa nhiều nét thú vị về huyền tích một vị tướng có công khai phá vùng đất Nghĩa Hà lúc bấy giờ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cách trung tâm TP.Quảng Ngãi 10km về hướng đông nam, núi Giàng ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) nổi tiếng là thắng cảnh hùng vĩ, đầy thơ mộng.
Nhìn từ xa, núi Giàng như một chiếc nấm khổng lồ. Chiếc nấm khổng lồ ấy chính là một quần thể núi đá với các kích thước to nhỏ khác nhau. Giữa quần thể núi đá có một tảng đá khổng lồ, chiều cao chừng 30m, chiều ngang khoảng 5m, nặng hơn 250 tấn. Thế đứng của tảng đá này nằm chếch khoảng 45 độ, từ xa trông giống như con nghê đến soi mình bên dòng sông Trà.
Đứng trên đỉnh núi, chúng ta tha hồ phóng tầm mắt nhìn toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp xung quanh. Phía tây là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng rau xanh mướt, phía bắc là dòng sông Trà chảy phẳng lặng, mênh mang theo bờ bắc núi Thiên Ấn. Phía đông là những đám mây trắng bồng bềnh nổi lên từ biển, xa xa là công trình cầu Cửa Đại thấp thoáng trong ánh nắng chiều. Nhìn về hướng nam là làng quê yên bình. Ai đến đây rồi cũng phải thốt lên núi Giàng thật hùng vĩ và thơ mộng đến lạ.
Núi Giàng nổi tiếng với quần thể núi đá độc đáo. |
Giải thích về sự bí ẩn của những tảng đá này, ông Nguyễn Hữu Uỷ- Trưởng thôn Thanh Khiết, (68 tuổi) cho biết: "Các tảng đá này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân Nghĩa Hà. Nhờ có những tảng đá to lớn ấy, mà vùng đất phía sau núi Giàng mới không bị dòng chảy của sông Trà cuốn trôi, và thôn xóm xã Nghĩa Hà lúc bấy giờ được hình thành từ đó".
Trên đỉnh núi Giàng, chúng ta sẽ gặp một ngôi miếu nhỏ bé, khuôn viên chỉ ngót vài trăm mét vuông. Ngôi miếu này có tên là miếu thờ Công thần, nhưng nhân dân địa phương quen gọi là dinh Ông. Theo sự tích xưa ghi chép lại thì ở đời vua Vĩnh Tộ, tức vua Lê Thần Tông (1619-1929), trong một trận chiến trên đỉnh núi Giàng, một vị tướng có tên Dương Yết đã hy sinh tại đây vào đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Để tưởng nhớ công lao, người dân địa phương đã lập miếu thờ, tổ chức lễ giỗ vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Ngôi miếu hàng trăm năm tuổi vẫn nằm yên bình và hài hòa bên cạnh tảng đá khổng lồ nặng hơn 250 tấn. |
Miếu thờ Công thần mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền của nhiều ngôi miếu ở miền Trung. Ngôi miếu được xây dựng hình chữ T, tòa nhà có 4 mái, lợp ngói vẫy cá với 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa đang xòe ra. Nóc dinh bờ giải trang trí lưỡng long tranh châu đắp nổi; hai bên bờ giải đắp nổi trang trí phượng vũ.
Trải qua nhiều biến cố trong chiến tranh, một phần ngôi miếu đã bị hư hỏng nặng. Nhân dân địa phương đã nhiều lần góp tiền, công sức để xây dựng, trùng tu lại ngôi miếu này. Tuy nhiên, việc tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền của ngôi miếu trước đây.
Có thể nói, núi Giàng và miếu thờ Công thần giờ đây không chỉ là thắng cảnh mà còn là di tích lịch sử của địa phương. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, núi Giàng là một trong những căn cứ cách mạng, nơi ra đời của chi bộ đầu tiên của Đảng bộ xã Nghĩa Hà.
Bài, ảnh:
Thủy Tiên