60 năm đỏ lửa giữ vị ngọt sông Trà

09:07, 17/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ gánh đùi ui rong ruổi khắp các xóm nhỏ vùng cửa sông Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), nay quán don gáo dừa cô Cẩm đã trải qua 60 năm đỏ lửa mà vẫn giữ hương vị của món ăn dân dã được dòng sông Trà Khúc ban tặng.

TIN LIÊN QUAN

Quán don Gáo dừa cô Cẩm nằm ở cuối đường Trường Sa, gần nơi sông Trà đổ ra biển. Bà Phạm Thị Kim Liên (64 tuổi), chủ quán don, nhớ lại: Ngày trước mẹ tôi bán don bằng gánh đùi ui, rồi sau này mở quán bán ở nhà. Tôi theo mẹ chồng nấu don bán gần 10 năm trước và tiếp nối nghề khi mẹ chồng qua đời.

Căn bếp nhỏ qua nhiều thế hệ vẫn giữ được vị ngọt của don đã đi vào tuổi thơ của nhiều người dân nơi đây.

Bà Phạm Thị Kim Liên múc don bằng gáo dừa.
Bà Phạm Thị Kim Liên múc don bằng gáo dừa.

Ở dòng sông Trà Khúc, trước khi hòa mình vào đại dương, tại nơi vị ngọt của sông gặp gỡ vị mặn của biển mà người dân địa phương gọi là nước chè hai đã hình thành vùng cư trú của một loài nhuyễn thể nước lợ, đó là con don.

Don khi cào về sẽ được chà vỏ, rửa thật sạch, ngâm cho nhả hết cát. Sau đó bà Liên luộc cho đến khi don há miệng để có được nước dùng ngọt thanh tự nhiên và nguyên chất. Thịt don khi đã tách vỏ, cho thêm hành tây thái sợi, bánh tráng gạo, một ít gia vị là đã đủ đầy cho hương vị đặc trưng của xứ Quảng. Don ngon không phải vì cầu kỳ, đắt tiền, mà ngon vì "kết hợp" với nước “chè hai” mang lại vị ngọt lạ lùng.

Ông Cẩm cho biết: Don có loại màu vàng và màu đen. Nước don ngọt vì một bộ phận rất nhỏ gọi là mật don, nhưng phải nấu đủ lượng mới ra chất ngọt. Đó là lý do bà nhà tôi luôn nấu tô don nhiều ruột nhất. Vì thế, thực khách không cần nhiều gia vị, chỉ thêm mắm và ớt xiêm là đủ để dùng.

Quán don của cô Cẩm không chỉ nổi tiếng lâu đời, hay về cách chế biến giữ được vị ngọt thanh của nước don, mà thực khách còn ấn tượng bởi những chiếc gáo dừa mà bà Liên dùng để múc don cho khách. Có cái mới làm, nhưng cũng có cái bằng với số tuổi của quán. Độc đáo nhất là chiếc gáo dừa được đẽo thành chiếc vá dẹt hơn 60 năm trước.

“Mẹ tôi đã dùng chiếc vá này để múc don cho khách suốt những ngày đi bán dạo ở thị xã Quảng Ngãi. Khi mẹ tôi tuổi cao, thay vì gánh đi bán, thì mẹ chuyển sang bán don ở chợ làng gần nhà và dùng gáo dừa sâu để múc don nhanh hơn. Đến tận bây giờ, khi chiếc gáo dừa cũ bị hỏng không dùng được, tôi lại chọn những trái dừa già nhất để làm gáo cho vợ tôi bán”, ông Cẩm chia sẻ.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

 


.