Chứng nhân lịch sử tại Huyện đường Đức Phổ

02:12, 18/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đêm thu trăng sáng, đoàn người biểu tình rầm rập tiến vào Huyện đường Đức Phổ. Tri huyện và lính tráng sợ hãi bỏ chạy. Những người bao năm bị áp bức xông vào huyện đường đốt cháy công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn... Sự kiện lịch sử ấy gắn với cây nhãn trăm năm tuổi nằm trong khuôn viên huyện đường.

TIN LIÊN QUAN

Trăm năm qua, cây nhãn trong khuôn viên huyện đường (nay là trụ sở HĐND - UBND huyện Đức Phổ) vẫn cành lá sum sê, tỏa bóng râm mát. Đây là cây “chứng nhân” lịch sử trong quá trình đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Đức Phổ.

Lễ gắn biển cây di sản cho cây nhãn trong khuôn viên trụ sở HĐND và UBND huyện Đức Phổ.
Lễ gắn biển cây di sản cho cây nhãn trong khuôn viên trụ sở HĐND và UBND huyện Đức Phổ.

Sử sách chép rằng: Hơn thế kỷ trước, cụ Trần Văn Phổ (cha của cố Tổng Bí thư Trần Phú) nhậm chức tri huyện Đức Phổ. Nuôi trong mình khí tiết của một nhà nho ưu thời mẫn thế, cụ hiểu rõ nỗi nhục cảnh quan trường thời nô lệ. Cụ hết sức đau lòng trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, nên không chịu cung cấp lương thảo cho quân Pháp đàn áp nhân dân trong vùng. Thương dân, hận giặc, cụ tuẫn tiết ngay chốn công đường, khi Trần Phú vừa lên 4 tuổi. Sự hy sinh của cụ thôi thúc người dân Đức Phổ kiên cường đứng lên đấu tranh lật đổ những thế lực bạo tàn.

“Cùng với những cây cổ thụ trên địa bàn huyện, cây nhãn là một phần trong tâm thức và gắn liền với đời sống tinh thần của người dân địa phương. Dù trải qua bao biến cố của lịch sử, cây nhãn vẫn sừng sững, xanh tươi, mạnh mẽ, sinh tồn và phát triển, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, kiên trung, bất khuất của con người Đức Phổ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương hôm nay...”.


 Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ NGUYỄN THỊNH


Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh làm nức lòng quần chúng nhân dân, khiến cho thực dân, phong kiến phải run sợ. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính quyền thực dân, phong kiến thẳng tay đàn áp nhưng vẫn không ngăn được tinh thần đấu tranh của dân chúng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ ông Nguyễn Thịnh (bên trái) bên cây nhãn hơn trăm năm tuổi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ ông Nguyễn Thịnh (bên trái) bên cây nhãn hơn trăm năm tuổi.

Để “chia lửa” với Xô viết Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, đòi quyền tự do, dân chủ... Nhân dân trong tỉnh Quảng Ngãi, nhất là người dân Đức Phổ đã nhiệt liệt hưởng ứng, với đỉnh điểm là cuộc biểu tình chiếm huyện đường vào đêm mùng 7 rạng ngày 8.10.1930. Cuộc biểu tình do đồng chí Nguyễn Nghiêm – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo.
 

Đức Phổ có 4 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Đó là cây nhãn trong khuôn viên huyện đường Đức Phổ và cây trâm vối bên mộ Chánh đề lãnh Huỳnh Công Thiệu, ở xã Phổ Hòa, cùng hai cây Cầy ở xã Phổ Phong và Phổ Thuận.

Nửa đêm ngày 7.10, dân chúng từ các nơi trong huyện tụ họp tại gò Cây Thị, ở thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh, tham dự míttinh. Đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi lên diễn đàn diễn thuyết vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng và cổ vũ tinh thần quần chúng. Hơn 3.000 “người cùng khổ” chăm chú lắng nghe, lòng tràn đầy nhiệt huyết. Sau đó, đoàn người mang gậy, dây thừng, cơm gói, một số mang theo cờ đỏ búa liềm, hàng ngũ chỉnh tề tiến về huyện lỵ.

Những người đi đầu phất cao cờ Đảng, tiếp đến là những người mang băng rôn, biểu ngữ. Đoàn người tiến bước với tiếng hô: Tiến lên! Tới! Tới! lẫn trong tiếng trống, mõ rộn ràng giữa đêm khuya. Đoàn người rầm rập bước chân, đầu ngẩng cao nhìn về phía trước với khí thế hiên ngang. Những tiếng hô vang từ lồng ngực bao năm bị đè nén tạo khí thế oai hùng. Gần sáng, đoàn người biểu tình tiến đến huyện lỵ, dân chúng tham gia lên hơn 5.000 người. Quá hoảng sợ, tri huyện Nguyễn Phan Lang và toàn bộ lại mục, lính tráng bỏ chạy khỏi huyện đường. Những người biểu tình xông vào huyện đường đốt công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, rải truyền đơn... Cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây nhãn vào rạng sáng ngày 8.10.1930, thắp lên niềm tin vào tương lai tươi sáng trong lòng dân Đức Phổ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.

Cây nhãn cổ thụ trong khuôn viên trụ sở HĐND - UBND huyện Đức Phổ hiện cao khoảng 9m, hiên ngang giữa giông tố trăm năm. Thân cây xù xì, phô bày những chai sần qua bao năm tháng, như một tuyệt tác của thời gian. Ba nhánh cây tỏa ra từ gốc khá lớn, với dáng hình uyển chuyển tựa vẻ cương - nhu trước thời thế của bậc hào kiệt.


Bài, ảnh: Trang Thy


 


CÁC TIN KHÁC
.