Vị quê giữa mùa đông Sài Gòn

10:12, 22/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Một số người con Quảng Ngãi tha hương đã chọn các món đặc sản mang hương vị quê nhà để mưu sinh, gửi gắm chút tình quê hương đến người Quảng Ngãi đang học tập, sinh sống trên mảnh đất Sài Gòn. Bánh xèo hay đậu hủ nóng là những vị quê được nhiều người ưa thích giữa mùa đông Sài Gòn.

TIN LIÊN QUAN

Thơm ngon bánh xèo “Anh Năm Trà Khúc”
 
Bánh xèo được bày bán khắp nơi ở Sài Gòn, nhưng chủ yếu là bánh xèo đúc chảo miền Tây. Nhiều nơi bán bánh xèo miền Trung nhưng vì có thêm bột bắp nên giòn rụm, không hợp khẩu vị. Bánh xèo mang đặc trưng hương vị Quảng Ngãi có phần hiếm hơn.
 
Nằm trên con đường Đồng Đen, phường 11, quận Tân Bình, bánh xèo Quảng Ngãi “Anh năm Trà Khúc” trở thành địa chỉ thưởng thức ẩm thực quen thuộc của người dân Quảng Ngãi đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Sài Gòn, nhất là người dân sống tại các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú…
 
Anh Huỳnh Hữu Phú tự tay đúc bánh xèo bán cho khách.
Anh Phú tự tay đúc bánh xèo bán cho khách.
 
Đến đây, thực khách được thưởng thức những chiếc bánh xèo đúc khuôn “chính hiệu” với các nguyên liệu bột gạo, giá và đủ các loại tôm, tép, thịt bò, thịt vịt theo ý muốn. Hương vị dẻo ngon, thơm phức khiến thực khách bị hấp dẫn ngay khi đi trên đoạn đường này.
 
Chủ quán là anh Huỳnh Hữu Phú, 30 tuổi, quê ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức. Bao năm qua, nguồn thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề này đã cưu mang gia đình anh nơi đất khách quê người. 
 
“Trước đây, tôi từng tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM và có công ăn việc làm ổn định tại một công ty tư nhân.  Tuy nhiên mức lương không đủ để tôi lo cho bản thân, gia đình nhỏ và ba mẹ ở quê nên cứ thiếu trước, hụt sau. Tôi nảy ra ý tưởng thuê mặt bằng, mở quán bánh xèo và nhờ mẹ ở quê vô phụ giúp”, anh Phú chia sẻ.
 
Ban đầu, anh bán đơn sơ vài ký bột để kiếm thêm trong ngày. Bánh xèo ngon, có nhiều đồng hương đến ủng hộ, anh dừng hẳn công việc mình theo đuổi suốt nhiều năm để ở nhà tự tay đúc, bán bánh xèo cho mọi người thưởng thức, lấy tên quán là “Anh Năm Trà Khúc”. 
 
“Trà Khúc- dòng sông thơ mộng của quê nhà. Tên quán làm cho mỗi ai đi ngang đều nhận ra đó là bánh xèo chính hiệu do người Quảng Ngãi đúc”, anh Phú chia sẻ về lý do lấy tên quán.
 
Ngoài bánh xèo với giá 6.000 đồng 1 cái, anh bán thêm các món khác như ram bắp 1 chục 25.000 đồng, don 1 tô 20.000 đồng… Với mỗi món ăn, anh đều giữ nguyên cái hương vị dân dã của quê nhà. Để quán trở nên gần gũi hơn, anh Phúc đặc biệt chú ý đến không gian bài trí. Các vật dụng đều được làm từ nguyên liệu bằng mây tre giản dị, bắt mắt từ đồ trang trí trên tường đến bàn ghế, chén bát. Gây chú ý nhất là các bức ảnh về Quảng Ngãi xưa và nay. 
 
Anh Trần Ngọc Hùng, 54 tuổi, quê ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn vẫn thường hay ghé đến quán “Anh Năm Trà Khúc” như một thói quen vào mỗi tuần. Anh chia sẻ: “Đến đây, mình không chỉ thưởng thức đặc sản quê nhà mà còn được gặp lại rất nhiều người Quảng Ngãi. Chúng tôi tha hồ trò chuyện, nói giọng địa phương mà không sợ ai trêu và nhái lại”.
 
Bánh xèo giữ được hương vị quê nhà nên được nhiều người đến thưởng thức.
Bánh xèo giữ được hương vị quê nhà nên được nhiều người đến thưởng thức.
 
 
Xe đậu hủ nuôi con
 
Chị T cũng chọn một món ăn khác đặc trưng của quê nhà như đậu hủ, xu xoa để mưu sinh, kiếm tiền nuôi con. Gặp người Quảng Ngãi, chị mừng rỡ nhưng xin được giấu tên vì cuộc sống riêng có nhiều nỗi niềm. 
 
Chị kể, chị quê ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Trước đây, chị cũng từng có một cuộc sống ổn định, bình yên bên chồng và con cái ở quê nhà. Nhưng chẳng ai lường trước được chuyện gì, cuộc sống bất hạnh đến với chị khi chưa đầy 40 tuổi đã phải chịu cảnh hai đời chồng. 
 
Bây giờ, chị lẻ bóng đi về một mình ở nơi đất khách quê mình, trốn tránh trước những điều tiếng khắc nghiệt của người đời, kiếm tiền nuôi con. Sau nhiều lần chọn lựa, chị quyết định mưu sinh với món đậu hủ, rồi bán thêm xu xoa Lý Sơn. 
 
“Đậu hũ, xu xoa là những món ăn vặt được dễ làm, được nhiều người chọn. Tôi đã gắn bó với nó suốt thời gian dài. Công việc cũng không vất vả lắm”, chị T nói.
 
Để có được nồi đậu hũ nóng thơm mùi lá dứa cùng nước đường đặc sệt, ngọt thanh, hay nồi xu xoa đẹp mắt, phảng phất hương vị tanh nồng của biển, các công đoạn chế biến có khi mất cả đêm thức khuya. Nguyên liệu phần lớn được gửi từ quê vào. 
 
Trước đây, có rất nhiều người miền Trung, trong đó có người Quảng Ngãi gánh đậu hũ đi bán khắp các con hẻm ở Sài Gòn. Những gánh hàng rong này ngày càng hiếm. Nhiều người còn “biến tấu” nó thành những món tàu phớ, tàu hủ đá trong các quán xá. Thành ra món “đậu hủ quá khứ” này vẫn được người gốc Sài Gòn, người Quảng xa quê săn tìm để ăn cho bằng được.
 
 Đâu hủ, xu xoa cũng là món ăn vặt của người Quảng Ngãi, được nhiều người khen ngon.
Đậu hũ, xu xoa cũng là món ăn vặt của người Quảng Ngãi, được nhiều người khen ngon.
 
 
“Em vẫn luôn thích cái cảm giác ngồi đâu đó tiện nhất trên các con phố, múc từng muỗng đậu hũ nước đường nóng hổi cho vào miệng. Mùi thơm của đậu hũ lá dứa nóng phảng phất trong cái se lạnh đặc trưng của mùa đông Sài Gòn, rất tuyệt vời”, em Võ Ái Trúc Ly, 22 tuổi, quê ở Quảng Ngãi nhưng sống từ nhỏ ở Sài Gòn cho biết.
 
Mỗi người như anh Phúc, chị T nhờ sự cần cù, chăm chỉ của bản thân và những món ăn mang đặc trưng, hương vị của Quảng Ngãi mà mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn, cuộc sống ổn định hơn. Nhưng điều làm họ cảm thấy hạnh phúc nhất là được tận tay nấu món ngon cho người xa quê thưởng thức. Và những người ở bốn phương có dịp tìm hiểu, biết nhiều hơn về mảnh đất và con người xứ Quảng chịu thương, chịu khó.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.