(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 8 âm lịch, khi những cơn mưa miền Trung bắt đầu dồn dập, ba tôi lại giục mẹ lôi vại mắm dưa cà ra ăn. Những ngày mưa trong ký ức của chúng tôi, bữa cơm đôi khi đạm bạc chỉ gồm đĩa rau luộc và chén mắm dưa cà. Thế mà cả nhà xúm xít hít hà cái vị cay nồng của ớt, mặn mà của mắm thấm vào từng miếng dưa, miếng cà, cứ tấm tắc khen ngon mãi và nồi cơm hết veo lúc nào chẳng biết...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay và mặn. Vì thế, chẳng khó để có thể bắt gặp các hàng bán loại mắm bỏ - tên gọi dân dã của mắm dưa cà ở khắp các khu chợ lớn nhỏ, hoặc ngay cả trên những chiếc xe “chợ di động” được các bà, các mẹ rong ruổi khắp mọi ngóc ngách, nẻo đường. Chỉ cần đi ngang qua thôi là đã nghe cái vị mặn mà khó mà quay lưng đi được.
Mắm dưa cà, đậu phụng rang... những món khoái khẩu trong bữa cơm ngày mưa. |
Nhớ những ngày mưa, mẹ tôi khoác chiếc áo mưa mỏng rồi vội vã đi chợ, bên cạnh con cá, mớ rau, chẳng bao giờ mẹ quên bịch mắm. Những ngày mưa gió thường khiến mau đói bụng, lại thêm bịch mắm dưa cà, tuy chỉ một nghìn đồng mà thơm ngon mặn mà, nên ngay cả đám con nít cũng cầm lòng không đặng.
Loại mắm bỏ đặc trưng của quê tôi không đòi hỏi cầu kỳ về nguyên liệu cũng như cách chế biến. Chỉ đôi ba trái dưa chuột, vài quả cà pháo bổ đôi, đu đủ xanh gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn, rồi ướp với chút muối, phơi nắng cho dưa cà hơi héo thì ăn mới giòn và dai. Về phần mắm, để mắm thơm ngon phải cho một chút thơm bằm nhuyễn, thêm vào tỏi, ớt giã nhuyễn nữa, rồi trộn đều hết vào mắm.
Mắm nêm tùy theo loại, có loại đã được nêm, có loại chưa, vì thế tùy từng loại mắm nêm mà cho chanh và gia giảm lượng đường vào mắm. Cho mắm cùng dưa cà, đu đủ vào hủ, để sang ngày hôm sau là đã có thể ăn. Vị ngọt của dưa chuột, sực sực thơm thơm của đu đủ và cà pháo giòn tan, khiến món mắm dưa cà “đưa cơm” ngày mưa.
Nhưng không riêng gì mắm dưa cà, ba tôi bảo bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ, ngày mưa lành lạnh, trên mâm cơm phải có thêm cả chén đậu phụng rang ngào mắm ớt tỏi thì mới “đúng bài”. Thế là, ngày nắng, mẹ tôi đã mua sẵn đậu phụng hạt, lựa loại hạt to mẩy đem về phơi thêm vài nắng rồi cất vào lọ để dành. Đến bữa cơm, chỉ cần cho nắm đậu vào chảo đảo cùng chút dầu ăn, đến khi đậu đã vàng thơm, thì cho mắm ớt tỏi giã nhuyễn rưới đều là có thể ăn được.
Ngày xưa bận rộn, mẹ tôi hay ghé chợ để mua bịch mắm về ăn cho tiện. Giờ đã nghỉ hưu, rỗi rãi mẹ tự làm mắm dưa cà. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi sang ăn tối, mẹ cười bảo: “Hôm nay có món ngon đấy”, thể nào chúng tôi cũng biết là có món mắm dưa giòn ngon, cay cay và đậm đà. Khi về, mẹ còn gói gém cho một hộp nhỏ mắm dưa cùng bịch đậu phụng mẹ mua được ở quê và dặn: “Để dành ăn đấy nhé”.
Thế đấy, cần chi cao lương mỹ vị, món mắm dưa cà hay chén đậu rang dân dã của quê hương vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng mỗi người con miền Trung. Để dù có đi xa đến đâu thì mỗi khi nhớ về bữa cơm của bà, của mẹ hay trong những ngày mưa gió, chúng tôi vẫn nghe như có vị giòn tan của đậu phụng rang hay vị mặn mòi của mắm dưa trên đầu lưỡi cũng đủ ấm lòng.
Bài, ảnh: LI LAM