Thưởng ngoạn mây trời trên đèo Violắc

02:04, 24/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Phượt thủ” thích ngắm mây trời đẹp tuyệt không cần phải ra đến Y Tý, Sa Pa (Lào Cai)... mà ngay ở Quảng Ngãi cũng có thể "săn mây", cũng như hòa mình cùng cảnh sắc của gió núi mây ngàn, bằng cách lên đỉnh đèo Violắc - nơi  phân chia thời tiết giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

TIN LIÊN QUAN

Nằm trên tuyến Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, đỉnh đèo Violắc là điểm mốc ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum. Đèo Violắc uốn lượn qua rất nhiều ngọn núi và thung lũng, đỉnh đèo cao hơn 1.300m so với mực nước biển, nên đây là cung đèo có sương mù, mây phủ dày đặc. Nếu muốn “săn mây” trên đèo Violắc, từ trung tâm TP.Quảng Ngãi, phượt thủ chỉ cần đi khoảng 80km theo Quốc lộ 24 là đến được với chân đèo, nằm ở xã Ba Tiêu (Ba Tơ).

Vào lúc sáng sớm, đứng trên đỉnh đèo Violắc nhìn xuống, chỉ thấy một màu trắng xóa của mây.
Vào lúc sáng sớm, đứng trên đỉnh đèo Violắc nhìn xuống, chỉ thấy một màu trắng xóa của mây.


Di chuyển theo cung đường quanh co, uốn lượn của đèo Violắc, “phượt thủ” chắc chắn sẽ được “mãn nhãn”, với khung cảnh hoang sơ, khoáng đạt của chốn núi rừng. Những ruộng bậc thang dưới chân đèo trở nên huyền ảo hơn trong nắng chiều, những nóc nhà sàn thoắt ẩn, thoắt hiện trong sương sớm. Các cây thông già lấp ló dọc theo cung đường ngoằn ngoèo, rồi cả những đoạn đường đèo mây giăng kín lối sẽ khiến du khách vô cùng thích thú. Sau khi chinh phục những đoạn đường gấp khúc và vách núi dựng đứng như thách thức, đứng trên đỉnh đèo Violắc vào lúc sáng sớm hoặc chiều buông, du khách sẽ được thưởng thức “đặc sản” sương và mây “sà” xuống trước mặt, phủ kín cả lối đi, tạo cảm giác thư thái, phiêu diêu...

 Sau khi dừng chân nơi đỉnh đèo để thưởng thức khí trời se lạnh và biển mây trắng xóa, phượt thủ có thể đi thêm một đoạn nữa là đến được với huyện Kon Plông của tỉnh KonTum để tận hưởng sự khác biệt của khí hậu. Bởi đèo Violắc không chỉ giáp ranh, phân chia hai tỉnh, mà còn là ranh giới khí hậu giữa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Có những thời điểm, dù nửa đèo bên này trời hãy còn hửng nắng, nhưng khi vừa xuống đèo, đặt chân lên mảnh đất Kon Plông, “phượt thủ” đã gặp phải ngay cơn mưa rừng Tây Nguyên lạnh cắt da thịt. Và thú vị hơn nữa là không chỉ khám phá thêm được vùng đất mới, mà khi đến với các xã Pờ Ê, xã Hiếu của huyện Kon Plông, “phượt thủ” sẽ hiểu thêm về cảnh sống, cũng như những phong tục tập quán của người M’Nâm ở Tây Nguyên và nghe giai thoại về ông Đinh Hiếu – một người quê ở xã Ba Thành (Ba Tơ) hoạt động cách mạng ở xã Hiếu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bị giặc sát hại tại suối Nước Liêu. Ông sống ân tình, gần gũi nên người M’Nâm khi ấy đã lấy tên ông đặt cho xã mình...

Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.