(Baoquangngai.vn)- Cùng với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, Làng Gấm với những nét văn hóa độc đáo còn được lưu giữ của người Cor… sẽ đủ gợi nhớ cho những ai dù chỉ một lần đến.
TIN LIÊN QUAN
Làng Gấm nằm lọt thỏm dưới đỉnh núi Tà Cút, thuộc xã Trà Quân (huyện Tây Trà). Chẳng ai biết cái tên gọi Làng Gấm có nguồn gốc từ đâu. Chỉ biết rằng từ khi sinh ra, các già làng, trưởng bản đã nghe đến cái tên đẹp như lụa này.
Phải mất khoảng hơn nửa tiếng, từ trung tâm huyện chúng tôi mới đến được nơi. Khí hậu ở Làng Gấm mát mẻ, thời tiết trong lành khiến du khách liên tưởng ngay đến một thành phố Đà Lạt thu nhỏ. Nếu là buổi trưa mùa hạ thì thời tiết mát mẻ như mùa thu, cảnh sắc như mùa xuân, còn tiết trời bình minh của ngày giá rét thì thấm đẫm đầy sương và gió lạnh.
Khung cảnh bình yên ở Làng Gấm. |
Để chuẩn bị cho ngày hội, từ sáng sớm, ở Làng Gấm bếp đã nổi khói, cùng với đó là mùi thơm nức nở cũng những chiếc bánh đót, bánh tốp, và các loại thịt heo, gà, vịt. Cùng với đó là tiếng cồng chiêng làm vang dậy cả núi rừng.
Đội văn nghệ cồng chiêng, múa cà đáo của Làng Gấm. |
Chiêng, trống được đàn ông trong làng giữ ghìn như báu vật. |
Ở ngôi làng này, bà con vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của người Cor. Lần theo tiếng chiêng, chúng tôi đến với khu vực người dân đang tập dợt để chuẩn bị cho ngày hội. Đội văn nghệ với ba người đàn ông say sưa vỗ trống, đánh những hồi chiêng lúc trầm, lúc bổng. Tám người phụ nữ Cor nhịp nhàng, lắc lư theo từng nhịp chiêng để múa điệu Cà đáo truyền thống.
Anh Hồ Văn Vân là một trong những thành viên trẻ của đội cồng chiêng. Anh cho biết, trong khi thanh niên nhiều nơi chạy theo các loại hình giải trí hiện đại thì ở Làng Gấm, các chàng trai khi mới lớn lên, hầu hết đều được các già làng truyền dạy cách đánh chiêng cơ bản. Ai cũng mê chiêng cả nên số lượng còn được lưu giữ rất nhiều.
Quả thật, so với các làng khác trong xã, Làng Gấm nhiều năm qua được địa phương đánh giá luôn đi đầu trong việc giữ chiêng, bảo tồn các giá trị văn hóa người Cor. Cả làng có 47 hộ dân nhưng số lượng chiêng được lưu giữ lên đến 30 bộ. Hầu hết là chiêng cổ mà ông bà, tổ tiên để lại.
Bà Hồ Thị Thiên người có khả năng sáng tác và hát xà ru. |
Ở đây, không khó đế bắt gặp hình ảnh những người mẹ trẻ đung đưa võng ru con bằng điệu xà ru, hay những già làng lớn tuổi ngồi hát cho trẻ con nghe điệu a giới. Không chỉ hát, họ còn có thể tự sáng tác. Có thể kể đến như bà Hồ Thị Thiên, già Hồ Văn Non…
Già Hồ Văn Non bảo rằng: “Xà ru, a giới chính là linh hồn cuộc sống của người Cor. Nên bao đời nay, để lưu giữ những giá trị ấy, chúng tôi luôn tìm cách truyền dạy lại cho con cháu đời sau. Đặc biệt, chú trọng việc dạy ngay từ khi còn nhỏ, chứ để chúng lớn rồi chạy theo những bài hát “hip hop” như bây giờ thì khó bảo dạy lắm!”.
Trò chuyện cùng ông Hồ Văn Bài- Phó Bí thư xã Trà Quân, chúng tôi thật bất ngờ trước những nỗ lực của địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Cor dù không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Ở địa phương còn có cả Câu lạc bộ cồng chiêng, xà ru, a giới để mọi người có cơ hội thưởng thức, học và tập luyện theo.
Về với Làng Gấm, chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện về làng, về đất và về con người nơi đây. Nhưng, xuyên suốt tất cả là ở làng vẫn còn nhiều người có tâm huyết gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, họ không bị phân tán hay tác động của những suy nghĩ thương mại tầm thường. Nào chiêng, nào ché, hay làn điệu dân ca… họ đều nâng niu như những báu vật.
Bài, ảnh: Thiên Hậu