(Báo Quảng Ngãi)- Nếu đã chán đến những địa điểm đã quá nổi tiếng, thì bãi biển Hòn Cóc ở xã Bình Thuận và rừng cao su thẳng tắp, xanh mướt, cùng thác Vực Bà hùng vĩ ở xã Bình Minh (Bình Sơn) sẽ là những địa chỉ để bạn tham khảo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lên Bình Minh thăm rừng cao su
Ai đã trót “say nắng” rừng cao su thẳng tắp, xanh hút mắt ở Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu... nhưng chưa có cơ hội đi xa để thưởng thức, thì ngay tại Quảng Ngãi quê mình, chỉ cần rời trung tâm thành phố chừng 40km, bạn cũng có thể tận hưởng những phút giây thư giãn dưới tán rừng cao su dịu mát.
Cảnh sắc của bãi biển Hòn Cóc (Bình Thuận) nơi có món "mực đuổi" có một không hai. |
Từ TP.Quảng Ngãi, đi khoảng 20km về phía bắc, qua khỏi cầu Châu Ổ (Bình Sơn), rẽ trái và đi thẳng thêm khoảng 15km nữa là chạm chân đến xóm Bá Lăng, thôn Mỹ Long, xã Bình Minh, nơi có nhiều ngọn đồi trồng cao su xanh bạt ngàn. Men theo con đường về Bá Lăng, cao su được trồng san sát hai bên đường và dưới tán rừng cao su là những thảm cỏ xanh um mát mắt.
Không ồn ào, náo động, cũng không có quá nhiều nóc nhà, rừng cao su ở Bá Lăng sẽ là lựa chọn thích hợp nhất cho những ai thích sự yên tĩnh và đam mê du lịch "phượt".
Từ rừng cao su ở Bá Lăng, chỉ cần đi thêm 2km là bạn đã có thể khám phá thêm thác nước Vực Bà – một ngọn thác kết hợp hài hòa giữa đá và nước, đổ từ độ cao hơn 1.000m xuống chân núi. Thác nước có cây cối bao phủ xung quanh đổ xuống che bóng, nên dù ghé thác ngay giữa trưa, bạn vẫn có thể tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ...
Xuống Hòn Cóc thưởng thức “mực đuổi”
Sau khi “mãn nhãn” với cảnh sắc núi rừng, bạn có thể đi về phía đông huyện Bình Sơn dừng chân ghé thăm bãi biển Hòn Cóc, một bãi biển đẹp vẫn còn khá hoang sơ của xã Bình Thuận. Bãi biển này nằm ngay cạnh Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, nên rất dễ tìm.
Đến bãi Hòn Cóc, ngoài thưởng ngoạn được cảnh sắc mênh mông của biển, du khách vừa có thể chụp ảnh cùng ngọn hải đăng và 3 phiến đá đen lớn, án ngữ ngay khu vực ven bờ. Cũng tại bãi biển này, du khách ghé thăm sẽ được xem cảnh ngư dân “đuổi mực” và thưởng thức loại “mực đuổi” có một không hai.
Lý giải cái tên đặc biệt ấy, vợ chồng cô Hai – chủ hai chòi lá lợp tạm ngay cạnh bờ biển, cho biết: “Tên gọi mực đuổi gắn liền với cách bắt mực của ngư dân nơi đây. Khi mực tìm vào vùng biển gần bờ để sinh sống, ngư dân chỉ cần quăng lưới dồn đuổi mực vào các ghềnh đá ven bờ rồi bắt sống. Phải đuổi mới bắt được mực nên cái tên dân dã “mực đuổi” xuất phát từ đó”.
“Mực đuổi” không dài như mực ống, cũng không dày thịt như mực nang. “Mực đuổi” chỉ to bằng ngón chân cái của người lớn, nhưng lại có dư vị rất khó quên. Ghé Hòn Cóc ăn “mực đuổi”, sẽ được thưởng thức món mực còn giữ nguyên túi đen, rồi mang đi hấp. Chẳng biết người nấu đã canh lửa thế nào mà khi bê ra, mực chín nhưng túi đen vẫn còn nguyên chứ không bị vỡ ra, da mực cũng chẳng bong tróc. Cứ thế, vừa thưởng thức đặc sản mực đuổi, vừa lắng nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào. Và xa xa là ngọn hải đăng, là Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện ra sừng sững...
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN