(Báo Quảng Ngãi)- Sa Huỳnh là một địa danh nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đây là nơi có bãi biển cát vàng tuyệt đẹp ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi và là một trong 5 cửa biển được chép rõ ràng trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mắm nhum Sa Huỳnh được cả nước biết đến vì là mắm tiến vua, thứ mắm khiến các ông Hoàng bà Chúa ngoài Huế phát thèm. Muối Sa Huỳnh có tiếng khắp Đông Dương, vì ngày xưa người Pháp mua muối ở đây đem bán sang tận xứ Lào. Vang danh khắp thế giới là thuật ngữ khảo cổ học “Văn hóa Sa Huỳnh”, thấm thía trong tâm can người bình dân Quảng Ngãi là câu ca: “Thuốc ngon chợ huyện, Giấy quyến Sa Huỳnh/ Nẩu nói sao mược nẩu hai đứa mình đừng xa”.
Một góc bãi biển Sa Huỳnh. Ảnh: PV |
Sa Huỳnh vốn là Sa Hoàng. Bài vè Các lái (Hò thủy trình) có đoạn: Buồm giăng ba cánh sẵn sàng/ Anh em chúng bạn nhiều đàng tư lương/ Mỹ Á, cửa Cạn, hòn Thương/ Chạy hết bãi Trường xích thố băng băng/ Ngước ra khỏi mũi Sa Hoàng/ Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa/ Hèn chi lời nói bữa xưa/ Nam thanh nữ tú cũng vừa con ngươi...
Người vùng Đàng Trong (phía nam sông Gianh) đọc Hoàng thành Huỳnh vì kỵ húy tên chúa Nguyễn Hoàng (1525– 1613), thường được gọi là Chúa Tiên, người khai mở đất Đàng Trong, mà ngày nay chúng ta phải kính trọng, tôn thờ.
Trở lại với Sa Huỳnh. Sa là cát, bãi cát; Huỳnh là màu vàng. Sa Huỳnh là bãi cát màu vàng – bãi cát vàng. Đây là từ có 2 từ gốc Hán nhưng lại kết hợp cấu tạo từ theo kiểu thuần Việt mà không phải theo kiểu Hán Việt như thường gặp.
Lại thêm một liên hệ: Vậy Sa Huỳnh có liên quan gì đến một quần đảo nằm trong Biển Đông có tên là Hoàng Sa (cũng có thể đọc là Huỳnh Sa), thuộc chủ quyền của Việt Nam không? Trong một tham luận trình bày tại cuộc hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh (1909 – 2009) chúng tôi đã nêu vấn đề này và nhận được sự chia sẻ, quan tâm của một số nhà khoa học. Chúng ta cần lưu ý rằng: Dân binh, dân phu thuộc các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thời trước, có không ít người là ngư dân ở các vùng biển khác trong tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh khác dọc ven biển miền Trung, từ Quảng Bình trở vào. Thông tin, vốn dễ bị thiên lệch trên các phương tiện báo chí, truyền thông nhiều khi làm chúng ta lạc hướng. Kỳ thực, lính và phu đi Hoàng Sa, Trường Sa đa phần là người vùng ven biển Bình Sơn, Sơn Tịnh và sau là người Lý Sơn, nhưng đa phần không có nghĩa là tất cả.
Tra khảo Đại Nam thực lục – bộ sử biên niên lớn nhất triều Nguyễn cũng như các châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đến nay sẽ không khó nhận ra điều này. Theo ghi chép của Quốc sử quán nhà Nguyễn, đã có nhiều lần ngư dân huyện Mộ Đức được trưng dụng đi Hoàng Sa. Mộ Đức thời bây giờ bao gồm cả huyện Đức Phổ ngày nay. Ngư dân Sa Huỳnh vốn nổi tiếng giàu kinh nghiệm đi biển và việc họ có mặt trong đội Hoàng Sa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong nhiều tài liệu thời phong kiến Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là trong bộ Phủ biên tạp lục do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn, chép tên chữ Nôm là Bãi Cát Vàng rồi chuyển dịch sang Hán tự là Hoàng Sa.
Người Việt có tập quán lấy tên quê cũ đặt tên cho vùng đất mình mới đến, như trường hợp các xã Quảng Ngãi, Đức Phổ của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, hoặc trường hợp làng Thọ Lộc ở Sơn Tịnh vốn có gốc từ tên huyện Thọ Lộc ở Thanh Hóa. Phải chăng đã có ngư dân Quảng Ngãi, hoặc Mộ Đức – Đức Phổ nào đó, ra đến Hoàng Sa, nhìn thấy dải cát nổi lên giữa biển có màu vàng như dải cát Sa Huỳnh trong đất liền, nên theo đó mà đặt tên là Bãi Cát Vàng cho dễ nhớ?
Là Hoàng Sa mà không phải là Huỳnh Sa, vì những người ghi chép về Hoàng Sa, hầu hết là quan lại Đàng Ngoài, làm quan dưới trướng vua Lê - chúa Trịnh, đối dịch với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nên chẳng có lý do gì để họ kiêng húy mà đọc chệch Hoàng thành Huỳnh.
Dù sao thì mối liên hệ giữa Sa Huỳnh và Hoàng Sa cũng chỉ là một giả thuyết còn lắm mơ hồ. Nhưng mơ hồ là chưa rõ chứ chẳng phải là không thể!
Lê Hồng Khánh