(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Văn Danh, người Trà Bình Trại (chưa rõ năm sinh và năm mất), nay là xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, sống vào khoảng cuối triều Thiệu Trị, đầu triều Tự Đức (nhà Nguyễn). Ông là người nổi danh hiếu tử, được nhiều người nhắc nhở, noi gương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà Nguyễn Văn Danh ở gần rừng núi, nhiều thú dữ. Một hôm người cha đi thăm ruộng thì bị hổ bắt mang đi. Ông vô cùng đau xót, đem người nhà vào núi tìm xác cha mình. Xét theo dấu vết, thấy con hổ hại người có một chân sau nhỏ, không giống với những con hổ khác, ông đo lại và ghi nhớ nằm lòng.
Gian thờ Tú hiếu Nguyễn Văn Danh. |
Đem được xác thân phụ về nhà an táng, ông Danh ngày đêm lo đào hố, đặt bẫy, quyết bắt cho bằng được con hổ đã cướp mất mạng sống cha già.
Tháng ngày trôi qua nhiều con hổ sa vào bẫy, nhưng con nào bốn chân cũng đều nhau, thủ phạm vẫn còn quẩn quanh đâu đó.
Rồi ngày ông Danh đợi bấy lâu đã đến, con hổ có một chân sau nhỏ đã bị bắt. Ông mổ thịt con thú dữ, lấy gan tế cha, còn thịt thì tự mình ăn gần hết. Sách cũ chép rằng, do ăn thịt hổ như thế nên ông mắc phải tâm bệnh, khi có người hỏi đến cha thì ông gầm thét như điên cuồng, lâu dần mới tỉnh lại, mắt nhỏ lệ mà không nói gì.
Đầu đời Tự Đức, nhà vua biết chuyện, khen ông là người con có hiếu và ban cho biển ngạch đề 4 chữ “Hiếu hạnh khả phong”.
Núi rừng Trà Bình, nơi thân phụ Nguyễn Văn Danh bị hổ vồ. |
Nguyễn Văn Danh từng thi đỗ Tú tài nên người đời gọi ông là Tú Hiếu.
Đầu thế kỷ XX, cụ Trương Cam Lựu (người Thường Tín, Hà Đông) chọn 20 gương hiếu Việt Nam, trong đó có chuyện Tú Hiếu đem diễn nôm và khắc in trong sách “Tây nam nhị thập bát hiếu diễn ca” để mọi người cùng xem, cùng học.
Phần truyện về Nguyễn Văn Danh, Trương Cam Lựu viết như sau:
Tú tài Nguyễn Văn Danh Quảng Ngãi,
Người Bình Sơn cha phải hổ thương.
Tìm thay xét dấu hổ xem,
Thấy chân sau nhỏ đo liền lấy dây.
Cạm bẫy lắm nhưng mày chưa phải,
Cũng giết đi trừ khỏi người lo.
Cuối cùng may trúng con so,
Tức thì mổ thịt trước mồ tế cha.
Thịt tế ấy đưa ra ăn hết,
Ăn hết rồi, gầm thét như điên.
Đó là huyết tính xui nên,
Hả lòng căm hổ lại an tỉnh dần.
Bài văn vần trên mang nhiều dấu vết hành văn, sử dụng từ của văn chương chữ Nôm đầu thế kỷ XX. Cũng vào thời kỳ này, vùng đất Trà Bình Trại đã tách khỏi phủ Bình Sơn để nhập vào huyện Sơn Tịnh, song Trương Cam Lựu vẫn cho rằng Nguyễn văn Danh “người Bình Sơn”, có lẽ ông dựa vào sách Đại Nam liệt truyện, khắc in từ trước.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Võ Thị Đệ