Mùa ốc gạo

08:04, 06/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi ốc gạo kéo về nhiều cũng là lúc những lao động nghèo mưu sinh, kiếm được khoản thu nhập kha khá để có thể lo toan cho cuộc sống gia đình.

TIN LIÊN QUAN

7 giờ tối, vừa ăn miếng cơm xong, ông Nguyễn Văn Bình (49 tuổi), quê ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vội vã vác cào đi ra biển cào ốc gạo. Thấm thoắt cũng đã hơn 10 năm ông Bình mưu sinh bằng nghề này. Dụng cụ rất đơn giản, chỉ cần một cái đèn pin, một cái cào được đan chặt bằng tre là đủ. Đêm này qua đêm nọ, cứ tới mùa, ông lại ra biển cào ốc gạo. Tùy theo mực nước biển, nếu nước biển cạn ốc gạo nhiều hơn.

Bình quân ông cào được 100kg ốc gạo. “Ban ngày tôi đi làm thợ hồ. Còn ban đêm, nếu không đau ốm gì tôi đều ra biển cào ốc. Mỗi đêm tôi kiếm được khoảng 30-50 nghìn. Đêm nhiều nhất là 70 nghìn. Nhưng để cào được con ốc không đơn giản đâu, phải ngâm mình dưới nước biển lạnh thấu xương. Nhưng nghĩ đến có thêm khoản tiền lo toan cho cuộc sống, cái lạnh cái nóng chúng tôi đều chịu được”, ông Bình cười hiền, chia sẻ.

 Nồi ốc gạo thơm lừng, hấp dẫn.
Nồi ốc gạo thơm lừng, hấp dẫn.


Mùa ốc gạo có từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Khi nước biển cạn, ốc gạo về nhiều. Thời gian đi cào ốc gạo tùy thuộc vào mực nước biển. Có khi 2, 3 giờ sáng vẫn có người đi cào, vì giờ đó ốc gạo nổi lên nhiều. Ngày nào cũng vậy, cứ tối là hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông đến biển Khe Hai, xã Bình Thạnh cào ốc gạo. Cào xong chị đem bỏ sỉ cho các mối buôn, còn để lại một ít chị nấu rồi sáng đem ra chợ bán. Mỗi lon ốc được bán với giá 5 - 7 nghìn đồng. Mỗi ngày chị kiếm được 100 - 150 nghìn từ những con ốc gạo. Nhờ vậy, vợ chồng chị Ngoan có thêm đồng tiền mua sữa, mua quần áo, sách vở cho con. Chị làm công việc này được gần 10 năm. “Đâu phải lúc nào đi cào ốc gạo cũng có đâu. Có đêm thì được hơn vài trăm ký, nhưng cũng có đêm hai vợ chồng tôi về tay không à. Nhưng được cái, nghề này chỉ cần bỏ công thôi nên cũng có thêm đồng tiền lo cho con cái”, chị Ngoan tâm sự.

Những con ốc gạo được bày bán trên đường thơm ngon, cuốn hút đòi hỏi phải thật tươi, sạch và được chế biến kỹ càng mới hấp dẫn người mua. Trước khi luộc ốc, phải ngâm ốc gạo trong nước mặn khoảng 7 tiếng. Ốc gạo không cần luộc quá nhiều nước, đợi sôi 2 – 3 lần vớt ốc ra rồi cho vào thùng nhựa đậy nắp lại giữ cho ốc nóng lâu hơn. Cuối cùng là trộn gia vị vào. Quan trọng nhất là ở khâu chế biến gia vị. Phải nêm nếm gia vị sao cho vừa thơm, mà lại vừa miệng. Do vậy, ngoài muối, bột ngọt thì xả, ớt và gừng là các hương vị rất cần thiết tạo nên hương thơm cho ốc gạo, níu chân những ai mê món ăn dân dã này.

Ngồi lể từng con ốc gạo đối với nhiều người lại là thú vui và cũng là dịp những người hàng xóm, bạn bè có thể ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống. Dù đi đến phương nào, những người con Quảng Ngãi xa quê vẫn nhớ về món ốc gạo đặc biệt dân dã này.
    

Bài, ảnh: Đăng Sương

 


CÁC TIN KHÁC
.