(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đất quế Trà My- Trà Bồng là 1 trong 4 vùng trồng quế có diện tích lớn và lâu đời ở Việt Nam (Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi) và thường được gọi là “Miền đất quế”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nằm phía đông của dãy Trường Sơn (liền về phía tây là đỉnh Ngọc Linh cao khoảng 1.500m), miền đất quế bao gồm các huyện Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi), Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam), có độ cao trung bình 400 – 500m; nhiệt độ bình quân năm 22oC, lượng mưa bình quân là 2.300mm/năm, ẩm độ bình quân 85%. Đất đai phát triển trên các loại đá mẹ, sa thạch hoặc sa phiến thạch có tầng đất dày ẩm, thoát nước, thành phần cơ giới trung bình.
Cây quế. |
Vùng quế Trà My, Trà Bồng đến nay đã được mở rộng ra các huyện xung quanh như Quế Sơn, Phước Sơn (Quảng Nam), Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long (Quảng Ngãi).
Vùng quế Quảng Ngãi- Quảng Nam có ba loại quế chính: Thứ nhất là quế rừng: Là loại quế mọc tự nhiên trên các núi cao, trong rừng sâu. Lá mọc đối, nhỏ, hình bầu dục, có màu lục sáng, mặt dưới lá có lông. Vỏ màu đen như sừng, mỏng mịn, dẻo quánh, hương rất thơm và có vị cay ngọt. Loại quế này rất hiếm và đặc biệt quý, mệnh danh là “Nam sơn ngọc mộc” (cây ngọc núi Nam). Các già làng Cor, Ca Dong thường nói đây là cây quế trời. Trời ban cho ai người ấy được. Trước kia một cây quế rừng có thể đổi được hàng chục con trâu.
Thứ hai là, quế thanh: Đây là loại quế thấy nhiều nhất ở vùng này. Đồng bào địa phương quen gọi là quế đắng hay quế bùi. Cây quế loại này cao, to, có cây cao tới 10-15m. Chu vi tối đa có thể đạt 1,5 – 1,8m. Cành cây còn non nhẵn. Lá hình bầu dục hơi thuôn ở hai đầu, tròn cạnh, dài từ 10-15cm. Mặt lá xanh láng, mặt trái nhạt hơn có ba gân nổi, gân giữa to hơn. Hoa nhỏ như hoa mộc, màu vàng tươi điểm trắng; mặt trái đài hoa có lông nhung; hoa mọc từng chùm từ các kẽ lá gần ngọn hoặc ở gốc các nhánh, nở vào mùa thu, hương thanh dịu. Quả quế nhỏ như quả xoan, mới chín có sắc đỏ, sau tím dần như quả bồ quân, sáng bóng. Vỏ của loại quế này như da voi, lúc còn ở cây có màu trắng, xù xì, sau khi phơi nắng ngả sang màu sẫm.
Thứ ba là, quế chành rành: Loại quế này đồng bào địa phương còn gọi là trèn trèn. Quế có thân cao, dáng đẹp. Vỏ màu xám, nhẵn, có nhánh nằm ngang. Lá thuôn nhọn ở gốc, có mũi nhọn mềm, màu lục sẫm ở cả hai mặt, có ba gân, cuống nhỏ ngắn. Cũng như vỏ, lá quế chành rành thơm, nghiền ra làm hương rất tốt. Hoa hợp thành chùm ngắn, mảnh. Quả mọng hình cầu, nhỏ. Tuy vỏ và lá quế chành rành cũng có tinh dầu, nhưng nhìn chung loại quế này chất lượng không bằng hai loại quế nói trên.
Thấy rõ được lợi ích của việc trồng quế đối với đời sống của mình, các dân tộc ở đây rất quý cây quế và gọi nó là “cây thiêng”, cây do chim nhà Trời mang lại.
Theo phong tục, người Cor không mang quế vào nhà, không làm ô uế vỏ quế đã lột. Trước kia mỗi nhà có một chòi chứa quế (như kiểu chòi lúa) dựng cạnh vườn quế. Chòi làm nhỏ nhưng cao ráo, sạch sẽ. Nơi đây, đồng bào có đặt bàn thờ thần Mặt Trời (Cơi Măt Ngơi) và thần Đất (Cơi Bri).
Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi.
Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa – cây quế còn đóng góp vào định canh - định cư, xoá đói giảm nghèo tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế. |
Từ xa xưa, quế được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, vỏ quế được mài ra trong nước đun sôi để nguội để uống, hoặc trong các bài thuốc có quế để chữa một số bệnh đường tiêu hoá, đường hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông thuyết mạch, làm cho cơ thể ấm lên, chống lại giá lạnh và có tính chất sát trùng. Đối với đông y, quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị: Sâm, nhung , quế, phụ.
Quế cũng được sử dụng một khối lượng lớn để làm gia vị, phụ gia sản xuất bánh kẹo. Bột quế được trộn với các vật liệu khác để làm hương, khi đốt lên có mùi thơm đặc trưng, dùng nhiều trong các nghi lễ thờ cúng, tế tự ở nhiều nước Châu Á. Gần đây nhiều địa phương còn sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đế lót giày có quế.
Năm 2009 quế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu Quốc gia, sau đó được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam.”
Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận “đặc sản quế Trà Bồng xác lập kỷ lục Châu Á”.
Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh