Chuyện về những người đào địa đạo Đám Toái

10:08, 08/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những người trực tiếp đào nên địa đạo Đám Toái (thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), từng là nơi chữa trị cho thương bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ, giờ chỉ còn dăm người còn sống. Tuổi cao, sức cạn... nhưng những ký ức về một thời thắp đèn dầu, đào địa đạo vẫn khắc khoải trong tâm trí của mỗi người.

TIN LIÊN QUAN

Thắp đèn dầu đào địa đạo

Trong thời kỳ chống Pháp (1945 – 1954), thực hiện chủ trương bảo vệ vùng tự do, chống sự xâm nhập của quân Pháp từ phía biển, du kích và nhân dân thôn Phú Quý đã đào ở đây một địa đạo để vừa làm nơi tránh pháo, tránh máy bay ném bom, vừa làm công sự chiến đấu. “Nhà nào toàn người già, thì trẻ nhỏ đi thay. Năm đó, tôi mới 15 tuổi, đứa bạn hàng xóm cũng chỉ 11 tuổi… Nhưng đứa nào cũng hăm hở đi đào địa đạo”, ông Phạm Tích, người hiếm hoi từng đào địa đạo nay vẫn còn sống, kể lại.

Ông Phạm Tích, người hiếm hoi từng đào địa đạo nay vẫn còn sống.
Ông Phạm Tích, người hiếm hoi từng đào địa đạo nay vẫn còn sống.


Nhớ lại không khí khẩn trương của những ngày cả làng kéo nhau đi đào địa đạo, ông Phạm Tích bồi hồi: “Địa đạo có 3 cửa, nên dân làng chia thành 3 nhóm để đào. Cả trăm con người, ngày nào cũng đào đủ 12 tiếng mới nghỉ”. Người vào trước đào đất chuyển ra cho người sau. Đào đến đâu, người dân lại khoét bờ thành địa đạo để thắp đèn dầu đến đó. Nói là đèn dầu cho “sang”, chứ thời đó, đèn dầu chỉ là một hộp sắt đựng dầu hỏa, còn tim đèn thì được xé từ mảnh vải mùng.  Lòng đất ẩm ướt, thiếu khí, khói đèn dầu tỏa ra cay xè, ám đen cả lỗ mũi. Nhưng những khó nhọc không làm chùn bước quân và dân làng Phú Quý. Nhờ những đôi tay không mỏi đó mà địa đạo Đám Toái hoàn thành chỉ sau gần 1 năm, nối kết với địa đạo thôn Châu Thuận và địa đạo thôn An Hải hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn dài gần 4 km, chạy dọc theo vùng đồi thấp ven biển xã Bình Châu.

Đến giai đoạn 1962-1965, địa đạo Đám Toái tiếp tục “nhận” nhiệm vụ trở thành trạm phẫu thuật tiền phương để kịp thời chữa trị cho thương bệnh binh trên chiến trường Đông Bắc Quảng Ngãi. Một lần nữa, người thiếu niên Phạm Tích năm xưa, cùng bè bạn nay đã là du kích địa phương, tiếp tục xung phong đi gia cố, mở rộng lòng địa đạo. Chỉ trong một thời gian ngắn, một bệnh viện dã chiến đã ra đời trong lòng địa đạo nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m, có thể chứa được giường bệnh và có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị y tế…

Nặng nợ với Đám Toái

Không chỉ góp công sức làm nên địa đạo, mà những người từng thắp đèn đào đất giữa đêm này còn xem Đám Toái như mối duyên nợ của cuộc đời. Ông Phạm Tích, người gắn bó với Đám Toái từ những ngày đầu trầm ngâm: “Tôi vẫn nhớ mãi cái ngày 9.9.1965 bi thương, khi địa đạo đang chứa hơn 60 thương, bệnh binh, hộ lý, y tá… thì bị địch phát hiện và dùng mìn đánh sập. Nỗi đau ấy cứ luôn nhắc tôi phải dũng cảm, phải kiên cường chiến đấu”. Và đúng như lời tự răn mình đó, ông Phạm Tích năm lần bảy lượt bị địch bắt tù đày. 5 năm ở Côn Đảo, ông nếm đủ những loại hình tra tấn dã man. Từ đổ nước xà phòng vào bụng, đến đánh đập, gí thanh sắt nung đỏ vào người… nhưng ông vẫn một lòng sắt son với dân, với nước.

Hiện tại, dù đã bước sang tuổi 84, đôi chân run run đi không vững vì di chứng của những năm tháng bị địch tra tấn, nhưng ông Tích vẫn thường xuyên tìm về Đám Toái thắp hương. Ông Nguyễn Tới, một trong những người nhỏ tuổi nhất tham gia đào địa đạo năm xưa, giờ nhận nhiệm vụ trông coi và hương khói cho những liệt sĩ đã nằm lại ở Đám Toái.

Dẫn chúng tôi đi thăm địa đạo Đám Toái. Bước trên bậc thang dẫn xuống lòng địa đạo, ông Phạm Tích dặn dò: “Đi khẽ thôi! Mỗi một tấc đất, là máu xương của các chiến sĩ gửi lại địa đạo này”.
 

Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.