Phạm Văn Đồng- Nhà văn hóa lớn của dân tộc

09:03, 01/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đồng chí  Phạm Văn Đồng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; người con rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế và là nhà văn hóa lớn của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Suốt 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động, tình cảm chan hòa với nhân dân, nhạy cảm, thấu hiểu được nguyện vọng của đồng bào. Đồng chí có nhiều đóng góp lớn trong việc hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng, của cách mạng Việt Nam suốt bảy thập kỷ qua.

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975.                                      Ảnh: TL
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975. Ảnh: TL


Nhà văn hóa lớn

Sinh ra tại làng quê xã Đức Tân (Mộ Đức), thuở nhỏ đồng chí Phạm Văn Đồng đã được học chữ Hán, rồi theo cha ra Huế học ở Trường tiểu học Việt- Pháp Đông Ba, Trường Quốc học Huế. Sau đó ông ra học ở Trường Bưởi (Chu Văn An- Hà Nội). Nhờ vậy, ông đã có kiến thức khá phong phú của một học sinh trung học. Trong quá trình hoạt động chính trị, ông được dự lớp huấn luyện Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (năm 1926 do Nguyễn Ái Quốc tổ chức) và tham gia Kỳ bộ Nam Kỳ tại Sài Gòn năm 1929, rồi 7 năm bị giam cầm tại Côn Đảo.

Năm 1936 ông được ra tù và từ đó hăng say hoạt động giáo dục, báo chí, rồi bí mật sang Côn Minh cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp đồng chí Vương (bí danh của Bác Hồ), rồi lại về xây dựng căn cứ địa Cách mạng ở các tỉnh vùng biên giới Việt- Trung. Chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng gắn liền với những nhiệm vụ, trọng trách cách mạng giao phó: Lúc thì phụ trách báo Việt Nam độc lập; tham gia vào việc mở rộng khu giải phóng từ Bắc Kạn, Tuyên Quang sang Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn xuôi về Thái Nguyên; lúc là thành viên của Chính phủ lâm thời Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính, rồi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Từ năm 1955- 1987 ông giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, đứng đầu cơ quan hành pháp.

Giai đoạn khó khăn của chính quyền non trẻ đều có dấu ấn đóng góp của đồng chí. Điều đó được minh chứng qua Hội nghị Phôngtennơblô(Fontainebleau) năm 1946 với vai trò đặc phái viên của Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ năm 1947; Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) về hòa bình ở Đông Dương năm 1954…

Có lẽ do nhiệm vụ và thiên hướng bẩm sinh mê say sách vở về văn hóa nghệ thuật nên dù bận công việc chính trị, Thủ tướng vẫn dành cho văn hóa nghệ thuật một niềm ưu ái nhất định. Đặc biệt là những trang viết của Thủ tướng về Bác Hồ đã gây sự xúc động lớn trong chiến sĩ và nhân dân. Thông qua những tác phẩm của ông, bạn đọc được nhìn nhận kỹ hơn chân dung của một con người suốt đời chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước được độc lập, ai cũng được hạnh phúc,  được học hành...

Sẽ có giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Phạm Văn Đồng?

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Phạm Văn Đồng là nhà nghiên cứu, lý luận, có những công trình, bài viết sâu sắc là bài học kinh nghiệm cho các thế hệ sau. Bản thân ông luôn chăm lo cho nền văn hóa, giáo dục, trau dồi đạo đức, lối sống, nâng cao tư tưởng chính trị. Bản thân là nhà văn hóa lớn của dân tộc, ông luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa và liên tục sáng tạo văn hóa, nhấn mạnh văn hóa là đổi mới, luôn luôn coi trọng phát huy vai trò động lực của văn hóa đối với kinh tế và xã hội, có nhiều ý tưởng sáng tạo chỉ đạo các mặt hoạt động văn hóa, đối thoại thân tình và giúp đỡ thiết thực các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ; bản thân ông cũng có nhiều tác phẩm văn hóa nổi tiếng với một văn phong trong sáng, mẫu mực. Những tác phẩm, những bài nói, bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng về dân tộc, đất nước, về văn hóa, văn nghệ là những định hướng cho những người làm văn hóa, văn nghệ.

Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: P.ĐỨC
Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: P.ĐỨC


Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi liên tục trong hơn bảy thập kỷ của đồng chí Phạm Văn Đồng gắn liền với sự ra đời, trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với chặng đường dài đấu tranh vô cùng gian khổ và thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta.

Làm việc với ngành văn hóa vào trung tuần tháng 2 vừa qua, đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đồng tình với các ý kiến của đại diện ngành văn hóa về việc trùng tu lại Nhà lưu niệm  Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cho xứng tầm với những công lao, cống hiến của Bác Đồng đối với đất nước. Còn đồng chí Võ Thanh An- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt vấn đề nên có giải thưởng Văn hóa- Nghệ thuật mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Với những ý tưởng đó, đồng chí Lê Quang Thích yêu cầu ngành văn hóa nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất về các nội dung trên.

“Nhằm làm sáng tỏ những công lao đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng- nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời nêu lên những quan điểm văn hóa sâu sắc, nhân cách văn hóa ngời sáng, những bài học quý giá của cố Thủ tướng nhằm bổ sung nguồn tài liệu, các kết quả nghiên cứu mới nhất về Bác Đồng để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và làm cơ sở cho các đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc và xây dựng bộ kỷ yếu hội thảo… ngành văn hóa đang gấp rút chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Phạm Văn Đồng và văn hóa dân tộc” dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới” - đồng chí Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, cho biết.


TRỊNH PHƯƠNG

 


CÁC TIN KHÁC
.