(Báo Quảng Ngãi)- Đến làng quê thì nghe mùi bùn đất, mùi rơm rạ; nếu đến làng gốm thì nghe mùi đất nung. Còn ở Thu Xà đó là mùi thuốc Bắc ngào ngạt, mùi của đường mía trong những ngôi nhà tường đá ong, cột kèo gỗ lim. Nhưng hương Thu Xà giờ đây chỉ là trong ký ức.Thương cảng Thu Xà (Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà - Tư Nghĩa) hàng trăm năm trước khá sầm uất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Con đường dọc phố là các cửa hiệu san sát, mỗi tiệm đều treo bảng hiệu viết chữ màu đỏ, ngày lễ thì mới treo lồng đèn đỏ. Thời đó, khu phố này đã xuất hiện nhà 2 tầng với kiến trúc được bài trí theo đặc trưng của người Hoa. Ngôi nhà cao nhất khu phố này là hiệu Đồng Ích làm nơi buôn bán, chứa hàng.
Một góc chùa Ông, di tích còn lại của Thu Xà một thời xa xưa. |
Vật liệu để xây dựng nhà ở phố Thu Xà, mặt tiền bằng gỗ, tường được xây dựng từ đá ong vàng. Chịu lực cho ngôi nhà là những hàng cột bằng gỗ lim, kiền kiền đen nhánh. Sự phối trộn của gỗ và đá ong đã tạo nên diện mạo ngôi làng có phần cổ kính và có chiều sâu. Kiến trúc Trung Hoa và chất liệu của làng quê Việt Nam đã làm nên nét riêng của phố Thu Xà. Đó cũng là sự khác biệt so với phố cổ Hội An vốn cũng là thương cảng một thời.
Tại khu phố này có 4 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam. Mỗi sáng tinh mơ, từng đoàn người kéo đi dọc theo khu phố của người Hoa. 7 giờ sáng, người đi làm đã tập trung thành nhóm trước các cửa hiệu, có nhóm 15 người, có nhóm 30 người. Đó là những nhân công đến làm tại các cửa tiệm. Người dân đã quá quen thuộc với những thương nhân Ban Tư, Hai Xón, Nhà Hiệu…Tiệm nào có nhiều người làm công thì gần như là đồng nghĩa với tiệm đó làm ăn phát đạt. Trong các bang thì Triều Châu làm ăn phát đạt hơn cả.
Ông Đỗ Đình Tuất (sinh năm 1931) hồi tưởng: “Nếu đi xa, nhớ quê thì đầu tiên là nhớ mùi thuốc Bắc. Sau đó là đường mía. Thuốc Bắc được thuyền chở đến cho các tiệm; nhân công mấy chục người sơ chế, rang, xay, tẩm…rồi lại bán đi các vùng khác”. Còn nhiều người cao tuổi khác ở Thu Xà, khi gặp đều nhắc đến hương thơm của đường mía dọc phố Thu Xà.
Nếu từ xa đặt chân đến Thu Xà, người ta nói rằng đây là ngôi làng nong, nia thì cũng không sai. Đó là hàng ngàn chiếc nong phơi đường được đặt khắp nơi, từ mép đường cho đến bờ sông. Hằng ngày, thuyền chèo tấp nập chở đường muỗng từ các vùng đến Thu Xà. Thuyền cập sát sau nhà, bỏ một miếng ván làm cầu bập bênh là bắt đầu công việc bốc vác. Mỗi tiệm đều xếp hàng trăm vỏ muỗng đường bằng đất sét thành những hàng dài trông khá đẹp mắt. Đường được rút khô mật, sau đó cưa thành nhiều khúc để phân loại.
Đường trên mặt được chà thành hạt rời, mang ra phơi vài nắng trước khi đóng bao. Phần đáy còn mật thì nhân công lội xuống sông hốt bùn đổ lên mặt để nước sông thẩm thấu cho trôi hết số mật còn lại. Lấy bùn đổ lên mặt đường là chuyện nghe rất lạ. Nhưng theo những người già, thời đó sông suối cực kỳ tinh khiết nên bùn đáy sông rất sạch, không hôi hám như bây giờ.
Ngôi làng nong nia, kéo theo đó cũng là sân chơi cực kỳ thú vị của những đứa trẻ. Nhảy tùm xuống sông tắm, những đứa trẻ như chú nhái ngụp lặn, thỉnh thoảng lại ngoi lên, đưa tay nhón một cục đường bỏ vào miệng, mặc cho tiếng hít hà của chủ nhà vọng lại.
Đã bước sang thế kỷ 21, ở đâu đó vẫn có những làng quê không có điện. Nhưng thời đó, thương cảng Thu Xà đã có hẳn bệnh viện, nhà máy dây thép để chuyển điện tín, thư từ. Thực dân Pháp đã xây dựng kho dầu, nhà máy phát điện. Thương cảng Thu Xà, bên cạnh hương thơm của thuốc Bắc, của đường mía, còn có tiếng máy ì ầm, mùi dầu hăng hăng. Một xã hội công nghiệp đã bắt rễ khá sớm ở ngôi làng cổ này.
Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG