Vùng đất địa linh nhân kiệt

09:09, 01/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đất ấy là nơi hồn thiêng sông núi quấn quýt, quần tụ trong nhau, trở thành vùng địa linh sinh nhân kiệt. Đó là Sơn Tịnh - nơi đã sản sinh đến 11 vị tướng lĩnh tài ba, nổi danh qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, lại sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

 “Hồn thiêng” sông núi

Sơn Tịnh tự hào được sở hữu “đệ nhất thắng cảnh” của Quảng Ngãi - Thiên Ấn niêm hà. Núi Thiên Ấn cao 105m so với mặt nước biển, đỉnh núi bằng phẳng rộng chừng chục hécta. Từ cửa Cổ Lũy ngược dòng sông Trà nhìn lên phía tây, núi tựa như nằm giữa sông, và cũng chính vì thế người xưa coi núi như “chiếc ấn trời” đóng trên sông. Năm 1930, cờ đỏ búa liềm của Đảng đã tung bay trên đỉnh Thiên Ấn, cổ vũ lớp lớp quần chúng nhân dân lao động đứng lên theo Đảng làm cách mạng. Còn “Long Đầu hý thủy” (đầu rồng giỡn nước) là một dãy đồi uốn quanh, chạy dài từ khu vực Quán Cơm (sát cầu Trà Khúc cũ) về hướng đông bắc, trông như con rồng uốn lượn, đầu rồng nhô ra tận sông Trà Khúc nên gọi là núi Long Đầu (đã bị cắt ngang bởi Quốc lộ 1). Trước đây, nước nguồn chảy về, réo quanh đầu rồng và nước trên núi chảy xuống qua lớp đất đỏ nên có màu đỏ ối, người xưa cho là “máu ở đầu rồng chảy ra”.

 

 Ba Gia - Nơi ghi lại chiến thắng oai hùng của bộ đội chủ lực và quân, dân huyện Sơn Tịnh trong kháng chiến chống Mỹ.                                             Ảnh: TƯ LIỆU
Ba Gia - Nơi ghi lại chiến thắng oai hùng của bộ đội chủ lực và quân, dân huyện Sơn Tịnh trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TƯ LIỆU



Cùng với hai địa danh gắn với quan niệm về “long mạch” thì đất Sơn Tịnh còn có hai thắng cảnh nổi tiếng là Hà Nhai vãn độ (cảnh các bến đò ở Hà Nhai, xã Tịnh Hà lúc về chiều) và Cổ Lũy cô thôn ở Tịnh Khê. Vào những chiều sương khói, bóng hoàng hôn bao phủ, Cổ Lũy mờ ảo, thơ mộng như trong một bức tranh cổ. Và đây cũng là quê hương của người anh hùng dân tộc Trương Định.

Ngoài thắng cảnh, vùng đất Sơn Tịnh với núi non hiểm trở (chủ yếu ở phía tây) còn là căn cứ địa cách mạng vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể kể đến như chiến khu Vĩnh Sơn (thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp), được xây dựng sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945)- nơi đóng đại bản doanh của du kích Ba Tơ (Đại đội Phan Đình Phùng do đồng chí Phạm Kiệt, Võ Thứ phụ trách). Nơi đây còn có xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên của Quân khu 5, gọi là xưởng Từ Nhại. Ở cánh đông vùng đất Sơn Tịnh có rừng dừa nước bạt ngàn Tịnh Khê gắn liền với các chiến công oanh liệt của quân và dân Quảng Ngãi, của huyện Sơn Tịnh.

“Đất tướng”

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc huyện Sơn Tịnh có đến 13 vị tướng nổi danh: Tướng Nguyễn Chánh, quê xã Tịnh Hà; thượng tướng Trần Văn Trà (Tịnh Long); trung tướng Trần Quý Hai (Tịnh Châu); trung tướng Phạm Kiệt (Tịnh Minh); trung tướng Nguyễn Đôn (Tịnh Bình); trung tướng Võ Thứ, thiếu tướng Võ Bẩm, Châu Khải Địch (Tịnh Hà); thiếu tướng Lê Trung Ngôn (Tịnh Ấn); thiếu tướng Phạm Quang Tiệp (Tịnh Sơn); trung tướng Phạm Nam Tào; thiếu tướng Huỳnh Kim, Phạm Luận (Tịnh Minh). Những vị tướng kể trên, không chỉ là niềm tự hào của riêng nhân dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trong các vị tướng lĩnh nói trên, trung tướng Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Võ Thứ được biết đến là những “thủ lĩnh” của đội du kích Ba Tơ - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà (tên thật là Nguyễn Chấn, sinh năm 1919, ở Tịnh Long), được biết đến là một vị tướng tài năng của đất nước. Ông cũng là người trăn trở về việc mở con đường mòn Hồ Chí Minh năm 1959 và đề xuất ý tưởng này với các lãnh đạo cấp trên. Nhờ đó, con đường quân sự bất tử của dân tộc đã ra đời trên dãy Trường Sơn huyền thoại.

Điều đặc biệt nữa là con đường này cũng gắn liền với tên tuổi của thiếu tướng Võ Bẩm (SN 1915, người xã Tịnh Khê). Ông là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559. Còn trước đó, khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, huyện Sơn Tịnh cống hiến cho đất nước một thủ lĩnh nghĩa binh chống Pháp nổi tiếng đất Nam Kỳ: Tướng quân Trương Công Định, người đã lãnh đạo nhân dân Gò Công (Tiền Giang) chống giặc, được nhân dân phong làm “Bình Tây Đại nguyên soái Trung thiên tướng quân”.

“Đất tướng” Sơn Tịnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có 17 đơn vị và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, có một cá nhân hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là ông Hồ Giáo (xã Tịnh Sơn); một tập thể 2 lần được phong tặng Anh hùng LLVTND là xã Tịnh Khê; có trên 400 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đổi thay hôm nay


Sau 38 năm giải phóng và gần 27 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bộ mặt kinh tế- xã hội của huyện Sơn Tịnh đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều công trình lớn đã và đang được mọc lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ có kinh tế khá ngày càng nhiều.

Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 3.000 tỷ đồng (47,37%KH), tăng 14,19% so với cùng kỳ năm 2012. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 29,8%; công nghiệp-xây dựng 37,6% và thương mại-dịch vụ 32,6%. Tổng sản lượng lương thực trên 41.000 tấn (52,7%); Bình quân lương thực đầu người hàng năm đạt trên 412 kg; tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 62 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn mới chỉ còn 10,73%; toàn huyện có 32 trường đạt chuẩn quốc gia…

Điểm qua những con số “biết nói” ấy để thấy rằng nhân dân ở vùng đất địa linh nhân kiệt Sơn Tịnh có truyền thống lao động cần cù và chiến đấu anh dũng. Những tên đất, tên làng, tên người ở Sơn Tịnh trở nên quen thuộc khi gắn liền với những chiến tích, sự kiện lịch sử oai hùng trong kháng chiến. Thế hệ hôm nay đang ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp ấy trong xây dựng quê hương.


Phạm Danh

 


CÁC TIN KHÁC
.