(QNĐT)- Lê Ngung sinh năm Ất Sửu - 1865, người làng Đông Phước, nay là thôn Phước Hoà, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn. Ông thi đỗ Tú tài, nên thường gọi là Tú Ngung.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu nổ ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lê Ngung và Trần Kỳ Phong được tổ chức cử ra Bắc liên hệ với nghĩa quân Đề Thám và vận động sỹ phu, nhân dân Bắc Kỳ hưởng ứng phong trào.
Trên đường ra Bắc, hai ông được tin thực dân Pháp và Nam triều đàn áp đẫm máu những người tham gia đấu tranh, truy tìm gắt gao những người lãnh đạo phong trào, nên tìm cách trốn ra nước ngoài.
Kế hoạch không thành, hai nhà yêu nước trở lại Quảng Nam. Ngày 23/10/1908, Lê Ngung bị Pháp bắt ở Hội An (Quảng Nam), đưa về Quảng Ngãi kết án 5 năm tù giam. Trong tù ông vẫn giữ liên lạc với phong trào, tích cực chuẩn bị cho các hoạt động về sau.
Năm 1912, theo đề xướng của nhà cách mạng Phan Bội Châu, Việt Nam Quang Phục hội tuyên bố thành lập ở Quảng Đông (Trung Quốc), xác lập tôn chỉ, mục đích: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”. Tổ chức cách mạng này nhanh chóng phát triển về nước và được sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới nhân sỹ yêu nước cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Mùa thu năm 1914, Lê Ngung ra tù, ông lập tức hoà nhập vào nhịp đập của phong trào, trở thành một trong những nhân vật có đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của Việt Nam Quang Phục hội.
Gian thờ Lê Ngung, tại nhà thờ ông - thôn Phước Hoà, xã Bình Thanh Tây. |
Tại Quảng Ngãi, Lê Ngung vận động, tập hợp những người yêu nước (Nguyễn Công Phương, Nguyễn Quang Mao, Lê Triết, Hứa Thọ, Mai Tuấn...) tổ chức đội dân binh, lập Ban vận động lương thực, vũ khí (giao cho bà Võ Thị Đệ phụ trách), liên hệ với Việt Nam Quang Phục hội các tỉnh, chuẩn bị khởi nghĩa.
Từ tháng 12/1914 đến tháng 1/1915, Lê Ngung hai lần đề nghị Việt Nam Quang Phục hội Quảng Nam, Quảng Ngãi tiến hành bạo động. Ông cho rằng Thế chiến thứ nhất nổ ra, Đức tấn công Pháp, do đó Pháp phải rút lực lượng ở Đông Dương về phòng thủ, tạo ra cơ hội rất tốt cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp ở Đông Dương.
Tháng 8/1914, khi Đức bắt đầu tiến quân đánh vào đất Pháp, Lê Ngung viết thư gửi Thái Phiên, nói rõ: Ngày Đức - Pháp đánh nhau chính là thời cơ độc lập của nước Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị của Lê Ngung không được Thái Phiên và các nhà lãnh đạo khác chấp nhận, vì cho rằng lực lượng khởi nghĩa chưa mạnh, tiềm lực quân sự của Pháp ở Đông Dương chưa thật sự suy yếu.
Tháng 2/1915, các đại biểu Việt Nam Quang Phục hội Quảng Nam, Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tại Đà Nẵng. Lê Ngung được phân công cùng Nguyễn Thụy xây dựng phong trào ở Quảng Ngãi, gấp rút chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ khởi nghĩa. Từ sau Hội nghị này, phong trào ở Quảng Ngãi phát triển khá mạnh, hình thành một vùng căn cứ liên hoàn từ Minh Long đến Ba Tơ, mở rộng lên đến Mang Đen (KonTum), kéo vào tận tây bắc Bình Định, nhiều cơ sở yêu nước trong nhân dân và binh lính địch được gây dựng.
Tiếp sau đó, Việt Nam Quang Phục hội tổ chức Đại hội lần đầu tại Huế để bàn việc khởi nghĩa. Lúc này chí sĩ Trần Cao Vân vừa mới bị đày từ Côn Đảo về, cũng tình nguyện tham gia. Tuy nhiên, do chưa liên hệ được với vua Duy Tân, để tạo dựng ngọn cờ cho đại sự, nên Thái Phiên và Trần Cao Vân đề nghị hoãn kế hoạch khởi nghĩa. Thái Phiên tự mình đề xướng cùng Trần Cao Vân lãnh trọng trách gặp gỡ, liên hệ với vua Duy Tân lúc này đang bị mật thám Pháp kiểm soát chặt chẽ tại Huế.
Cho đến giữa năm 1915, Pháp vẫn liên tục thua Đức trên chiến trường Châu Âu. Đầu tháng 7/1915, Lê Ngung biết được tin quân Đức đang tiến đến gần Paris, chính phủ Pháp buộc phải rút một bộ phận quân đội viễn chinh ở Đông Dương về bảo vệ chính quốc. Một lần nữa ông lại gửi thư cho Thái Phiên và gửi ra nước ngoài cho Phan Bội Châu, thúc giục khẩn thiết: "Thời hồ, thời hồ, thời bất tái lai! Kim trì bất phấn cô đãi hà thời?” (Thời cơ! thời cơ! Thời cơ không trở lại. Lúc này không phấn đấu đợi đến lúc nào?). Đề nghị lần này của Lê Ngung được chấp thuận.
Tháng 2/1916, Việt Nam Quang Phục hội tiến hành Đại hội tại Huế, hội đủ các yếu nhân như: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài (ở Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Thụy (Quảng Ngãi), Nguyễn Chánh (Quảng Bình), Đoàn Bảng (Thừa Thiên)... để bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Đại hội thành lập Uỷ ban khởi nghĩa do Thái Phiên đứng đầu, kiêm Tổng chỉ huy quân sự. Kế hoạch nổi dậy nêu rõ: Thái Phiên và Trần Cao Vân trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại kinh đô Huế. Theo đó, đúng 1 giờ sáng ngày 3/5/1916, quân khởi nghĩa sẽ đốt lửa trên đồi Thiên Mụ để báo hiệu cho các cánh quân đồng loạt nổi dậy. Lính lệ ở Trường Thi sẽ hợp với toán quân do viên sĩ quan người Đức chỉ huy tại đồn Mang Cá, đánh chiếm Tòa Khâm và trụ sở các bộ, bắt giữ tất cả người Pháp. Súng thần công tại kinh thành sẽ bắn lên đồng thời trên đỉnh đèo Hải Vân lửa lớn sẽ được thổi bùng, phát tín hiệu truyền đi các tỉnh.
Mộ Lê Ngung ở thôn Thành Thiện, xã Bình Thanh Tây. |
Tại Quảng Ngãi, Lê Ngung cùng Nguyễn Thuỵ, Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Công Mậu… chỉ huy khởi nghĩa và có nhiệm vụ liên hệ với Bình Định, Kon Tum... Nếu cuộc khởi nghĩa thất bại thì nghĩa quân ở Quảng Nam sẽ rút lên núi Bà Nà, nghĩa quân Quảng Ngãi sẽ rút lên Giá Vụt (Ba Tơ) để lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Tháng 3/1916, các nhân vật trọng yếu của Việt Nam Quang Phục hội Quảng Ngãi họp tại làng Xuân Yên (Bình Sơn) để bàn kế hoạch khởi nghĩa cụ thể tại tỉnh nhà.
Thật không may, ngày 1/5/1916 (29/3/Bính Thìn) do bất cẩn của một cơ sở ở Quảng Ngãi, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ, thực dân Pháp lập tức đối phó, đàn áp. Mưu lớn không thành, Trần Cao Vân (1866 - 1916) và Thái Phiên (1882 – 1916) dự định đưa vua Duy Tân trốn vào vùng căn cứ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy nhiên sau đó cả 3 đều bị bắt.
Ngày 17/5/1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị xử chém. Vua Duy Tân - ông vua yêu nước, người ủng hộ âm mưu phục quốc của Việt Nam Quang Phục hội và là biểu tượng của cuộc khởi nghĩa bị đưa đi đày trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Tại Quảng Ngãi, hầu hết các chỉ huy khởi nghĩa và nhiều binh lính, dân binh hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Nam Quang phục hội đều bị bắt. Lê Ngung tìm cách trốn thoát, nhưng giặc Pháp và tay sai biết ông là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi nên ra sức bao vây, truy nã gắt gao.
Biết đã rơi vào thế cô, khó thoát khỏi vòng vây kẻ thù nên Lê Ngung uống thuốc độc tự vẫn. Các thủ lĩnh khác của cuộc mưu khởi như Nguyễn Thụy, Trần Thêm, Võ Cẩn, Võ Cư, Mai Tuấn, Hứa Thọ đều bị địch bắt và sau đó bị xử chém. Phạm Cao Chẩm cùng nhiều binh lính người Việt bị đày đi các nhà lao Côn Đảo, Thái Nguyên.
Mặc dù Lê Ngung đã chết nhưng thực dân Pháp và Nam Triều vẫn đưa ông ra toà khép tội, xử bằng hình phạt “Lục thi trảm niêm” quật lấy thi hài đem chém rồi bêu đầu ở bờ bắc sông Trà Khúc. Một thời gian sau, những người cảm phục ý chí vì nước quên mình của nhà chí sỹ đã bí mật cùng gia đình đưa di thân ông về an táng tại quê nhà.
Mộ và nhà thờ Lê Ngung đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí tôn tạo, trùng tu (vào các năm 2004 và 2010) đồng thời ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tại thành phố Quảng Ngãi cũng đã có một con đường mang tên ông - nhà yêu nước đầy nhiệt huyết đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Phan Thúc Nghiễm (1836- 1914)