Gạo đỏ trên núi Ngót Gui

10:08, 06/08/2013
.

(QNg)-  Muốn thưởng thức bữa cơm gạo đỏ với đồng bào, hãy trèo núi, lội suối, mướt mồ hôi. Bữa cơm gạo đỏ trong ngôi nhà sàn có hương vị, âm thanh của  núi rừng đại ngàn; có câu chuyện về thần sông, thần núi.

TIN LIÊN QUAN
Ngôi nhà sàn "treo" ngang lưng núi, một làn khói lam tỏa nhẹ, quyện vào lá rừng. Trong ngôi nhà, nồi cơm gạo đỏ của đồng bào dân tộc Ca Dong ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) đang tỏa hương trên bếp than. Nồi cơm màu đỏ. Bên cạnh bếp là nồi măng rừng vàng óng đang bốc khói. Sống ở chốn thị thành, người ta đã quen với những thứ gạo trắng muốt, óng ả như mỹ nữ vì hình thức bên ngoài và cái tên gọi như: Gạo nở mềm, gạo Bắc Hương, gạo nài sữa, gạo nàng xuân…Còn đối với đồng bào miền núi Quảng Ngãi, thứ gạo trời cho này chỉ có tên mộc mạc là gạo lúa rẫy.

Gạo cao sản được trồng ngắn ngày. Còn gạo lúa rẫy phải trải qua 6 tháng sinh trưởng trên triền núi, ngậm hạt sương sa và hút nước vào những buổi chiều mưa đổ trắng rừng. Hạt gạo trắng là sản phẩm của quá trình lai ghép, lai tạo của các nhà nông học. Còn hạt gạo đỏ, với đồng bào là sản phẩm của thần núi, thần sông mà thành. Ngày lên nương phát rẫy, dùi lỗ thả hạt, người già trong nhà làm lễ cúng thần đất với những lễ vật như: Cá niên khô, trầu, cau. Đến ngày thu hoạch thì bản làng tổ chức Tết ngã rạ, mừng thần lúa.

 

 Nồi cơm nấu gạo lúa rẫy.
Nồi cơm nấu gạo lúa rẫy.


Vo gạo, múc nước sông Rin đổ vào nồi, bắc lên bếp. Khi cơm chín thì ngả sang màu đỏ, hạt to  như đậu đen. Cơm gạo đỏ ăn rất cứng nhưng ăn vào no lâu, đỡ tốn gạo trút vào cái bụng đói cồn cào.   

“Gạo lúa rẫy hồi xưa nuôi bộ đội đánh giặc. Ăn gạo lúa rẫy cái chân nó cứng, cái tay nó mạnh, mới leo núi được” – một cụ già trong làng Sơn Liên kể câu chuyện về nồi cơm gạo đỏ nuôi quân giải phóng. Dưới sông Rin nhiều cá, trên núi có rau rừng, măng le, có lúa rẫy. Con đường qua bản thời trước in dấu chân của đoàn quân giải phóng. Cách núi Ngót Gui không xa là con đường Trường Sơn huyền thoại, giờ đang được xây dựng trở lại. Nồi cơm gạo đỏ, nguồn sống của đồng bào. Nồi cơm ấy còn là câu chuyện của những người già kể lại cho con cháu về cái thời theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc, vót chông, căng bẫy để giữ làng.

Cuối tháng Giêng, trai tráng trong làng kéo nhau lên núi trồng lúa rẫy, tai lắng nghe tiếng coòng kinh của cồng. Bước chân của họ trượt trên những triền núi để xăm lỗ và gieo hạt. Thôn Nước Doa, nơi giáp ranh với Kon Plong của tỉnh Kon Tum, một thôn chỉ vài chục nóc nhà. Ấy vậy mà, vui quá, đồng bào làm thịt 4 con trâu một lúc trong ngày cúng thần. Những vị khách hiếm hoi đi băng qua làng đều được mời vào chung vui với dân làng. Thịt không thể nào dùng hết, phải mang phơi khô, dắt trên giàn bếp.

Tiếng lá rừng xào xạc phá tan khung cảnh bình yên, chợt vọng về bài hát Tháng 3 Tây Nguyên- “tháng 3 mùa con ong đi lấy mật… mùa em đi phát rẫy làm nương…”. Trồng lúa ở miền xuôi, mỗi người một đám ruộng. Còn trồng hạt lúa rẫy, cứ trồng vài mùa là đồng bào phải vượt núi để phát vùng rẫy mới. Vài mùa sau thì mới quay về rẫy cũ.

Mặt trời hạ thấp và trốn sau lưng ngọn núi Ngót Gui, những người trong làng lục đục trở về dưới mái nhà sàn. Từ đầu đến chân, ai cũng lấm lem muội than sau một ngày phát và đốt rẫy. Hỏi mua vài lon gạo lúa rẫy mang về miền xuôi, ai cũng lắc đầu: “Mua giá cao mình cũng không bán gạo”. Cuối cùng mới hiểu cái ý của đồng bào, đã là gạo thì không bán, nhưng sẵn lòng cho không.

Chợt nhớ lời già làng kể chuyện ăn gạo đỏ để cái chân nó mạnh lấy sức trèo núi. Nhưng, có lẽ, ăn bát cơm gạo đỏ còn hình thành cho con người đức tính tốt bụng, thật thà, “hiền lành như cục đất” giữa đại ngàn bao la.


          LÊ VĂN CHƯƠNG

 


CÁC TIN KHÁC
.