(QNĐT)- Trần Du hiệu là Xuân Dục, sinh năm Giáp Tuất -1864, người ấp Trung Hòa, làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Ông là nhà lãnh đạo cuộc vận động cứu nước cuối cùng của phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông là con trai duy nhất của cử nhân Trần Văn Thể, đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Canh Ngọ 1870 tại trường thi Bình Định nhưng chỉ ở nhà dạy học, tham gia phong trào Cần Vương ở quê nhà.
Cuối năm Giáp Ngọ (1894), cuộc mưu khởi Cần Vương do Tôn Đính, Nguyễn Vịnh, Bạch Văn Vĩnh cầm đầu thất bại và bị đàn áp dã man, nhưng ngay sau đó các sĩ phu yêu nước ở Quảng Ngãi lại tiếp tục bí mật tập hợp lực lượng, vận động chống Pháp.
Nhà thờ chi tộc Trần An Hoà, nơi thờ phụng ông Trần Du. |
Nho sĩ Trần Du trở thành người đại diện của các nhà nho yêu nước – cần vương từ kinh đô Huế vào đến Khánh Hòa, liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Nghệ Tĩnh nhằm tái tập hợp lực lượng kháng Pháp ở Thừa Thiên và vùng Nam Trung Bộ. Ông được tín nhiệm của sĩ phu và nghĩa binh tôn xưng là “Bình Tây đại tướng quân”.
Cuộc vận động yêu nước của Trần Du được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia, trong đó có cả binh lính Nam triều, đặc biệt là quân của sơn phòng Nghĩa Định.
Lực lượng Nghĩa binh được tổ chức thành các đội "dân binh", bí mật tập luyện, rèn sắm vũ khí. Khi quân số tương đối đông, Trần Du chọn vùng Trường An (Ba Tơ) xây dựng căn cứ địa. Trường An chính là nơi thân phụ Trần Du cùng các văn thân Trần Hành, Trần Luật ra công khai phá nhằm tính kế lâu dài cho các nghĩa sĩ kháng Pháp, cứu nước.
Sau vụ đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Thái Thú và trong bối cảnh các cuộc nổi dậy Cần Vương ở khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ lần lượt thất bại, cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng lâm vào thế khó khăn, thực dân Pháp cho rằng các sĩ phu ở Quảng Ngãi đã bắt đầu nhụt chí. Vì vậy khi nhận được tin tức về mưu toan phục quốc của các sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi do Trần Du cầm đầu, chúng hết sức ngỡ ngàng.
Mộ ông Trần Du. |
Lo sợ ngọn lửa phản kháng do Trần Du khơi dậy sẽ nhanh chóng bùng phát dữ dội, thực dân Pháp ráo riết tìm cách cô lập phong trào, bao vây căn cứ địa Trường An, khủng bố những người ủng hộ nghĩa quân. Các nhóm văn thân kháng Pháp từ Bình Định, Phú Yên tìm cách liên lạc với phong trào Trần Du ở Quảng Ngãi cũng bị ngăn chặn, truy lùng.
Ngày 5/2 năm Bính Thân (1896), Pháp dò la được sự có mặt của Trần Du ở làng Hùng Nghĩa (nay là làng Tân Hội, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ) - nơi Nghĩa hội đặt tổng hành dinh, chúng đưa quân bất ngờ bao vây bắt ông cùng 2 chiến hữu thân cận là Thọ Nam và Thạch Hồ đưa về tỉnh thành Quảng Ngãi.
Sau hơn 1 tháng trời dùng nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng không khuất phục được Trần Du, ngày 12/3 năm Bính Thân, kẻ thù đưa ông ra xử chém tại bến Tam Thương . Di hài nhà yêu nước sau đó được đưa về an táng tại giông Gò Sắt, nay thuộc khu vực thôn 7, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.
Họ Trần ở làng Thi Phổ Nhất vốn sinh cơ lập nghiệp ở làng Năng An (nay thuộc xã Đức Nhuận), về sau có một chi phái chuyển đến khai phá, định cư ở ấp Trung Hoà nên lấy tộc hiệu là “Trần An Hoà” (họ Trần ở Trung Hoà, có gốc ở Năng An) để con cháu nhớ về nguồn cội.
Trước đây ngày tế xuân của chi tộc Trần An Hoà là 10/3 âm lịch, tuy nhiên sau ngày Trần Du bị hại (12/3 âm lịch), lễ tế chuyển sang 12/3 để vừa tế xuân, vừa giỗ Bình tây Đại tướng quân Trần Du, bí mật khuyến dụ tinh thần yêu nước cho các thành viên trong tộc họ, đồng thời tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân - phong kiến đương thời.
Có một điểm đáng lưu ý trong cuộc vận động khởi nghĩa của Trần Du, đó là việc các nhà văn thân lãnh đạo xưng danh phong trào bằng khẩu hiệu “Cứu quốc- hộ dân”. Tuy về cơ bản chưa thoát khỏi ý thức hệ “Phong kiến -Cần Vương”, nhưng phần nào đã cho thấy sự phai nhạt trong tâm tư, tình cảm của giới trí thức và đông đảo người dân đối với ngôi vua và triều đình, vốn đời nối đời được xem là thiêng liêng, gắn liền với quốc gia xã tắc.
Thời thế đổi thay, khi ông vua chính danh – yêu nước là Hàm Nghi bị kẻ xâm lược đưa đi đày tận châu Phi xa xôi, còn kẻ ngồi trên ngai vàng ở kinh đô Huế là ông vua bù nhìn Đồng Khánh, thì ngai vàng làm sao có thể xem là thiêng liêng trong lòng người dân Việt.
Cái chết của nhà yêu nước Trần Du và thất bại của cuộc nổi dậy chống Pháp do ông lãnh đạo đã chấm dứt phong trào yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương ở Quảng Ngãi. Từ đây các cuộc vận động ái quốc theo đà chung của cả nước, chuyển sang một hướng mới, chịu ảnh hưởng của các phong trào Đông Du, Duy Tân.
Lê Hồng Khánh
* Đón đọc kỳ tới: Phạm Hàm (1885- 1915)