(QNg)- Mì Quảng là món ẩm thực truyền thống của người Quảng Nam, cũng như nem Chợ Huyện của người Bình Định, cá bống sông Trà kho tiêu của người Quảng Ngãi. Thế nhưng, thưởng thức món mì Quảng ở một miền đất không phải Quảng Nam, mà thật ngon, kể cũng là độc đáo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trên đất Quảng Ngãi, người sành điệu có thể tìm món mì Quảng ở hai nơi là thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) và thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Bình Sơn thì dễ hiểu, vì đó là vùng đất liền kề Quảng Nam. Còn ở Sông Vệ - thị trấn chơi vơi khoảng giữa cung đường xuôi ngược, thư thả bên dòng Vệ giang lại gặp những quán mì Quảng lừng danh.
Chị Hoa chủ quán và món mì Quảng Sông Vệ. |
Cách đây gần 20 năm, trong một lần gặp tại Đà Nẵng, tôi có nghe nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể câu chuyện tiếu lâm phổ biến hồi 9 năm kháng Pháp, nhắc đến anh chàng người Quảng Ngãi mê cô vợ Quảng Nam vì “nặng lòng” với món mì Quảng do chính cô ấy làm. Ngồi kề ông, bỗng nhiên tôi buột miệng, hỏi có phải chuyện này xảy ra ở sông Vệ. Ông cười, trả lời đúng kiểu Quảng Nam: Hì, hổng phải Sông Vệ thì ở đâu?
Bà Dương Thị Như Hoa, nay vừa tròn thất thập, chủ tiệm mì Quảng “Bà Ngọc” nổi tiếng nhất thị trấn Sông Vệ kể: Năm 1947, lúc bà lên 6 tuổi, gia đình chuyển từ Điện Bàn vào Quảng Ngãi để lánh giặc Pháp. Với một ít vốn liếng nhỏ nhoi cùng đôi bàn tay khéo léo, bố mẹ bà quyết định mở quán mì chế biến theo kiểu Quảng Nam, mà bấy giờ khắp vùng Sông Vệ chẳng có ai biết béo bùi cay ngọt ra sao, trừ mấy ông bà Quảng Nam đi kháng chiến. Chỉ một thời gian ngắn, cái hàng quán chẳng đề biển tên, biển hiệu đã trở nên nổi tiếng với thương hiệu “Mì Quảng bà Ngọc” – gọi theo tên bà chủ quán.
Bà Hoa nay vừa tròn thất thập, nghĩa là đã 64 năm, kể từ ngày ông bố Quảng của bà xay mẻ bột gạo đầu tiên từ những hạt thóc ăn nước sông Vệ bằng chiếc cối đá La Hà (Tư Nghĩa) để mẹ bà làm ra những sợi mì chuẩn bị cho ngày khai trương cái hàng quán đơn sơ bên bờ sông Vệ. Thực khách quen thuộc ban đầu là mấy ông anh, bà chị Quảng Nam theo kháng chiến, sau đó dần dần là bà con trong vùng và giới văn nghệ sĩ Liên khu V. Mẹ mất, bà Hoa trở thành người đảm đương hàng quán. Món mì Quảng phiên bản sông Vệ ngày càng định hình. Sợi mì nhà bà tự làm. Nước chan chế biến theo cách bà mẹ truyền lại. Giá đỗ xanh sông Vệ. Ớt sông Vệ. Rau xanh sông Vệ. Con tôm sông Vệ. Bánh tráng sông Vệ… Bà Hoa nhắc đến sông Vệ với giọng điệu đầy tự hào. Bà chủ mà tự tin đến vậy, biết ngay là quán ngon.
Mà ngon thật. Lát gan heo trong tô mì của bà thì quá tuyệt. Thơm và bùi. Cọng giá đỗ cắn giòn tan, con tôm sông bóc vỏ màu đỏ tươi. Sợi bún màu vàng mơ, hạt đỗ phụng rang giã dập màu vàng sẫm. Cọng rau húng xanh đậm nhưng gân lá màu tím phớt. Nồi nước chan giữ lửa riêu riêu, mùi thơm phưng phức, vừa bước vào quán đã nghe thèm. Nhưng muốn làm người ăn sành điệu thì hãy bắt đầu với việc bẻ cái bánh tráng làm tư, cho tương ớt vào tô mì, ít hay nhiều còn tuỳ khẩu vị. Thêm vào ít rau xanh, vắt một chút nước chanh, đừng quên ớt và hành chua cù lao Ré. Đảo qua các thứ bằng đôi đũa tre dân dã. Có gì đó đã bắt đầu rịn rịn nơi đầu lưỡi. Vậy thì hãy nhẹ nhàng gắp một gói ram nhỏ vừa bằng ngón tay út đưa lên miệng để được thưởng thức cái ngon của món bánh tráng mỏng cuốn thịt băm với nấm tai mèo rồi bỏ chảo dầu, thưởng thức cả cái âm thanh khe khẽ, giòn giòn mà hình như phải nghe bằng…răng!
Món ngon vét cạn đáy nồi, đã có câu ngạn ngữ thiệt hay như thế. Nhưng với mì Quảng thì còn hơn thế. Cứ chậm rãi mà ăn. Thỉnh thoảng ngơi đũa, dùng tay bẻ một mẩu nhỏ bánh tráng cho vào miệng. Cái tô càng vơi thì sợi mì, nước chan với các thứ rau lá, gia vị càng quyện vào nhau, cả mùi lẫn vị. Ở quán mì bà Ngọc, hình ảnh một thực khách nào đó nghiêng tô mì, dùng chiếc muỗng mà vét cho cạn chút nước chan còn lại dưới đáy, chẳng có chi lạ lắm!
Tìm hàng quán mà ăn mì Quảng cho đúng điệu ở Quảng Nam hay Đà Nẵng thì chẳng quá khó. Ngồi bên bờ sông Vệ, tận Quảng Ngãi, vừa ngắm những hàng tre nghiêng bóng xuống dòng nước xanh trong mà thưởng thức tô mì Quảng cùng bằng hữu, kể cũng là cái thú bình dị, vừa thơm thảo hồn quê, vừa nhắc nhở mối quan hệ láng giềng, giao tình, ruột thịt Quảng Nam – Quảng Ngãi.
LÊ HỒNG KHÁNH