Nhân vật Quảng Ngãi:
Trương Quang Cận

10:05, 14/05/2013
.

(QNĐT)- Trương Quang Cận, hiệu là Viễn Chí, sinh năm Mậu Dần (1878) tại trại Trà Bình nay là thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; Ông là một nhà cải cách hương thôn, chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ.

TIN LIÊN QUAN


Thời nhà Nguyễn, “trại” là một đơn vị quản lý cơ sở (tương đương với thôn, ấp, vạn, phường), nằm dưới tổng, lệ vào xã, nhưng mang tính tự quản.

 

Nhà thờ Trương Quang Cận
Nhà thờ Trương Quang Cận


Trại Trà Bình nằm dưới chân núi Cà Ty, do ba anh em họ Trương (Trương Văn Trà, Trương Văn Nhạc, Trương Văn Võ) và ông Đinh Văn Bình đưa gia quyến và dân nghèo từ các thôn Trà Bình, Phú Hậu (nay thuộc xã Tịnh Thọ) lên khai phá và kiến lập vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

Là người nổi tiếng học giỏi, có chí, nhưng không gặp thời, ông Trương Quang Cận đem ý tưởng nho gia “Dẫu không làm được việc gì cho thiên hạ, thì cũng nghiệm trong một làng” cùng hoài bão “Chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh” của các nhà Duy Tân đầu thế kỷ XX, áp dụng vào bản quán Trà Bình Trại. Lúc bấy giờ, trại Trà Bình là một sơn thôn, còn lắm hoang vu, đất đai bạc màu, người dân sống khốn khó, thiếu học hành, đầy rẫy tệ nạn, hủ tục gây ra bao nhức nhối cho các bậc phụ lão và những người thức giả, trong đó có ông Trương Quang Cận.

Khoảng năm 30 tuổi, ông Trương được dự vào hàng chức việc, rồi được cử làm hương chủ trại Trà Bình, từ đó dân làng quen gọi ông là Hương Năm.

Ông Hương Năm đem chí nguyện “Cải cách hương thôn” thuyết phục hàng hương lão, đồng sự, rồi tự mình vạch ra kế hoạch ngõ hầu biến cải toàn diện đời sống người dân và bộ mặt trại Trà Bình. Trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương, quan lại tha hóa, ông hiểu rằng, chỉ có người dân trại Trà Bình, bằng nỗ lực tự thân, cùng sự dìu dắt của các bậc thức giả, trưởng lão mới có thể làm thay đổi được những lề xưa thói cũ đã trở nên lạc hậu, đặng bước theo đường tiến hóa.

Vì thế ông bắt đầu thực thi kế sách của mình bằng việc lập ra bản Hương ước Trà Bình trại với nhiều điều khoản tiến bộ như: Lập hội đồng canh để giúp đỡ nhau trong sản xuất, vỡ hoang; lập quỹ tương tế giúp người già cả, khốn khó, neo đơn; mở trường học cho con em có nơi học tập; hình thành quỹ khuyến học để giúp đỡ giấy bút, đèn dầu cho học trò; định lệ sửa sang đường sá, cống đập, phòng người gian tế; giảm việc cúng tế linh đình, bài trừ tệ say sưa, cờ bạc; lập hội đồng hòa giải hương thôn; thực hiện sống theo phép vệ sinh, trồng cây lên sườn đồi; bắt cầu nối qua các làng lân cận.

Bản hương ước được đưa ra trước đình làng để các bậc hương lão, tộc biểu và hội đồng hương mục thảo luận, gia giảm, sau đó ký tên đồng ước, cùng nhau thi hành dưới sự dẫn dắt của hương chủ Trương Quang Cận.

Nhận ra điều hay, điều lợi của bản hương ước và tấm lòng vì điều tiến hóa, vì nghĩa hương thôn của ông Trương, bà con trại Trà Bình đồng lòng ủng hộ và ra sức làm theo.

Tú tài Võ Hoàng và tú tài Trần Kỳ Phong (1872 – 1941) - những nhà nho yêu nước, tham gia tích cực vào các phong trào Cần Vương, Duy Tân là những người bạn thân, đồng thời là những người nhiệt tâm tác động, ủng hộ những cải cách hương thôn thực tiễn của Trương Quang Cận.

Sau gần 10 năm cải cách, bộ mặt trại Trà Bình có những biến đổi đáng kể theo chiều tiến bộ. Nhân dân phấn khởi gọi quê mình là “Lạc thôn”. Tiếng lành từ Trại Trà Bình lan ra khắp 2 huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn và cả tỉnh Quảng Ngãi. Các làng Phương Đình (nay thuộc xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh), Diên Niên (Tịnh Sơn, Sơn Tịnh), Phong Niên (Tịnh Phong, Sơn Tịnh), An Điềm (Bình Chương, Bình Sơn)... cử người đến học cách thức đặng về làm theo.

 

 Bia ghi nhớ công đức Trương Quang Cận
Bia ghi nhớ công đức Trương Quang Cận


Tiếc thay, ngày 13/9 năm Bính Dần (1926), giữa cơn mưa lớn, một mình ông với chiếc rựa trong tay đi kiểm tra bè tre của làng và các cầu tre nối  trại Trà Bình với các thôn, trại lân cận thì cơn lũ bất ngờ ập đến, cuốn ông trôi theo dòng nước.

Cả trại Trà Bình tiếc thương người hương chủ kính yêu. Trong đoàn người đưa tang ông có nhiều nhân vật tiếng tăm của hai huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn và cả tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1930, một tấm bia ghi công đức, sở nguyện của ông được dân làng Trà Bình cùng thân hữu, nhân sĩ trong tỉnh dựng trước sân đình làng, nay vẫn còn  nguyên vẹn.

Có tư liệu chép rằng, vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, Thượng thư  Bộ Học triều Bảo Đại là Phạm Quỳnh đã thân đến trại Trà Bình để xem thực hư cách thức di phong hoán tục, cải đổi hương thôn của Trương Quang Cận và ông chủ bút tạp chí Nam Phong đã dành nhiều lời khen tặng cho một người trí thức sống nơi thôn dã, luôn khiêm tốn tự nhận mình là kẻ “thất phu”.

 Trương Quang Cận để lại cho đời gương sáng của một người hành động vì nghĩa, trì chí canh tân, nặng lòng với hương thôn, bản xã. Trại Trà Bình và những cải cách do ông thực thi có rất nhiều điều đáng cho các bậc thức giả, những người thiện ý lấy làm bài học ngỏ hầu góp tay xây dựng nông thôn thoát khỏi lạc hậu, đói nghèo.

Mộ và bia công đức ông Trương Quang Cận đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định công nhận Di tích cấp tỉnh.


                                                                   Lê Hồng Khánh



* Đón đọc kỳ tới: Phạm Cao Chẩm (1872 – 1918)
 


CÁC TIN KHÁC
.