(QNg)- “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Câu ca dao biểu hiện tình cảm gắn kết của cư dân đôi miền xuôi – ngược và ẩn ý về món ngon cá chuồn nấu với mít non. Và đâu chỉ riêng nấu với mít non, cá chuồn còn được dùng chế biến nhiều món ngon: Cá chuồn nấu canh chua, nấu canh bầu, chiên, kho… nhất là món cá chuồn nướng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cá chuồn tươi sau khi mua về dùng dao chặt vây, đánh vảy, móc mang và ruột, cứa dọc hai bên thân rồi để ráo nước. Sau đó, cho cá lên vỉ sắt nướng trên than hồng. Lật trở vỉ sắt cho thân cá chín đều, dậy mùi thơm phức như mời gọi thì nhấc xuống khỏi bếp. Gắp cá chín sẫm màu ra đĩa đặt cạnh vài nhánh rau thơm tươi xanh cùng với ớt hiểm chín đỏ trông thật bắt mắt. Dùng đũa tách thịt cá ra khỏi xương rồi tưới thìa nước mắm đã nghe bụng đói cồn cào. Cá chuồn nướng ăn với cơm nóng ngon đến “quên no”.
Sau mỗi đũa cơm, gắp miếng cá cho vào miệng để thưởng thức vị ngọt từ cơm gạo xen lẫn với hương vị ngọt thơm của cá hòa cùng vị mặn mòi như hơi thở của đại dương từ nước mắm. Thêm nhánh rau thơm ngát hương đồng nội, cắn miếng ớt hiểm cay tê mê nơi đầu lưỡi thì phải gọi là “sướng đến hết biết”. Món cá chuồn nướng còn là món nhậu khá bình dân nhưng mang hương vị hải sản biển khá đặc biệt, không thua kém những món cá nướng nào.
Món ngon đến thế nên cư dân miền biển cứ gửi lên “nậu nguồn” đâu chỉ để nhận lại mít non. Và có lẽ, cá chuồn cũng sẽ là một trong những “sứ giả” gắn kết giữa đôi miền xuôi – ngược cho đến mãi ngàn sau.
TRANG THY