Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng

11:11, 13/11/2012
.

(QNĐT)- Ông Phạm Văn Đồng bí danh là Tô, sinh ngày 1/3/1906 tại làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
 

*Người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi

Những năm 1925 - 1926, khi đang học tại Hà Nội, ông tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925) và để tang cụ Phan Chu Trinh (1926). Sau đó, ông đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1926).

Toàn cảnh Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng
Toàn cảnh Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng


Cuối năm 1927, ông về nước, tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, đến đầu năm 1929, được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ. Tháng 5/1929, ông đi Hồng Kông (Trung Quốc) dự Đại hội của tổ chức này và được bầu vào Tổng bộ và Ban trù bị thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 7/1929, Phạm Văn Đồng trở về Sài Gòn hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo.

Tháng 7/1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho Phạm Văn Đồng nhưng lại đưa ông về quê quản thúc. Trở về Quảng Ngãi một thời gian, ông bí mật liên lạc với tổ chức Đảng ở Quảng Ngãi, tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai.

Tháng 5/1940, ông Phạm Văn Đồng đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông được cử đi hoạt động cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Đầu năm 1942, ông được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Tháng 8/1945, Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tháng 5/1946, ông đảm nhận nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Chính phủ Cộng hoà Pháp tại Hội nghị Fôngtenơblô (Fontainebleau).

Trước ngày kháng chiến toàn quốc (19/12/1946), ông Phạm Văn Đồng được cử vào Quảng Ngãi làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đây. Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc. Tháng 8/1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Tháng 5/1954, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ (Genève) về Đông Dương. Từ tháng 9.1954, ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I (1946 - 1960) đến khóa VII (1981 - 1987).

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1986 ông liên tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ (có lúc gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Trong nhiều năm ông đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng chi viện cho tiền tuyến.

Trong Đảng, năm 1947 ông được bầu bổ sung ủy viên dự khuyết, năm 1949 chuyển thành ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951), lần thứ III (9/1960), lần thứ IV (12/1976), lần thứ V (3/1982), ông đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), lần thứ VII (6/1991) và lần thứ VIII (6/1996), ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 29/4/2000.

*Nơi lưu giữ kỷ vật về một danh nhân bình dị – nơi giáo dục tình yêu đất nước, quê hương.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tọa lạc làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, cách thành phố Quảng Ngãi 20 km, về phía nam.

Đây là ngôi nhà do ông bà Phạm Văn Nga – Phạm Thị Thuần, song thân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xây dựng, Về sau, vợ chồng người con trưởng là ông Phạm Văn Phúng (anh cả ông Phạm Văn Đồng) sửa sang, củng cố thêm. Chính nơi đây vị thủ tướng tương lai sinh ra và sống những ngày thơ ấu cùng các thành viên khác trong gia đình.

 

TBT Nông Đức Mạnh ghi cảm tưởng khi đến thăm Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng1/2009)
TBT Nông Đức Mạnh ghi cảm tưởng khi đến thăm Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng1/2009)


Theo lời kể của các cụ già trong tộc họ Phạm làng Thi Phổ Nhất và bà con láng giềng, ngôi nhà tuy không quá bề thế, nguy nga, nhưng khá vững chắc với bộ khung bằng gỗ, 3 gian, 2 chái. Gian giữa kê tủ thờ, tràng kỷ, án thư, hai gian bên đặt bộ phản gỗ để tiếp khách Chái đông và chái tây là nơi đặt giường nghỉ của những người trong gia đình. Ngoài nhà bếp còn có nhà ngang là nơi để các vật dụng hằng ngày và nhà bếp để nấu nướng.

Năm 1972, vì mưa nắng và chiến tranh, ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Năm 1978, chính quyền địa phương đã dựng lại ngôi nhà tại khu vườn cũ để làm lưu niệm. Nhà có vách xây bằng gạch, mái lợp ngói, diện tích non 50 m2. Phía trước có cổng ngõ bằng gỗ, chung quanh là hàng rào cây chè tàu, phía đông có giếng nước kè bằng đá ong, mang dáng dấp quen thuộc của những ngôi nhà vùng nông thôn Mộ Đức. Nội thất khá ấm cúng với ánh sáng bên ngoài dìu dịu đi vào. Gian chính trong ngôi nhà có bàn thờ tổ tiên cùng song thân cố Thủ tướng và những người thân trong gia đình đã qua đời.


Năm 2000, ông Phạm Văn Đồng từ trần, đồng chí đồng bào cả nước và khách quốc tế đến viếng nhà lưu niệm, thắp hương tưởng nhớ ông ngày càng đông. Ngôi nhà nhỏ dựng lên năm 1978 trở nên quá chật chội. Vì vậy, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, năm 2006, Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, tôn tạo Khu lưu niệm cố Thủ tướng ở khu vực phía đông ngôi nhà cũ.

Năm 2008,  Khu lưu niệm rộng hơn 2 ha hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày tranh ảnh - hiện vật lưu niệm, tủ sách giới thiệu trước tác của ông. Ngoại thất là hệ thống sân vườn cây cảnh, đường nội bộ.  

Cũng trong dịp này, khu mộ thân sinh ông Phạm Văn Đồng và ngôi nhà thờ họ Phạm, nơi thờ phụng các bậc tiền bối chi tộc họ Phạm tại làng Thi Phổ Nhất và cũng là nơi cố thủ tướng về sống, làm việc trong những năm 1936-1937 (sau khi mãn hạn tù Côn Đảo) cũng được trùng tu.

Ngoài những hình ảnh, hiện vật đã được tỉnh Quảng Ngãi sưu tầm từ trước, Khu lưu niệm còn được Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia trao tặng gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Đến đây, người xem bồi hồi nhìn ngắm những hình ảnh, hiện vật từng gắn bó với một con người mẫn tuệ về tư tưởng, cao cả về nhân cách nhưng bình dị, gần gũi trong lối sống và ứng xử thường ngày.

Một trong những khu vực trưng bày thu hút sự chú ý của khách tham quan, thăm viếng là phòng giới thiệu hình ảnh thể hiện tình cảm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với quê hương và quê hương với ông Phạm Văn Đồng.

Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 năm là Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy luôn năng động, tình cảm luôn chan hòa với nhân dân, nhạy cảm, thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào. Nhờ vậy, ông có nhiều đóng góp lớn trong việc hoạch định, làm thấu suốt và chỉ đạo thực hiện đường lối của cách mạng Việt Nam. Ông Phạm Văn Đồng cũng là người học trò xuất sắc, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức đức Hồ Chí Minh.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những kỷ vật quý báu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông, mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương đối với các thế hệ mai sau.

Đã trở thành thông lệ, vào những ngày kỷ niệm, những dịp lễ tết truyền thống, người dân xã Đức Tân, huyện Mộ Đức và nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi lại về thăm Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng. Bức ảnh chân dung ông với khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị, đôi mắt sáng ngời như nhắc nhở mọi người giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, về một ngày mai tươi sáng của đất nước, quê hương.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử –Văn hoá Quốc gia, tại Quyết định số 27- QĐ ngày 21/2/2006.
                                                          

                                                                              Lê Hồng Khánh

*Đón đọc kỳ tới: Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi

TIN LIÊN QUAN


 


CÁC TIN KHÁC
.