(QNĐT)- Chiến thắng Đình Cương là thành quả từ những trận tiến công liên tục và mãnh liệt của quân Giải phóng trong chiến dịch Thu 1974 tại khu vực phía tây nam huyện Nghĩa Hành, trọng điểm là vùng núi Đình Cương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Núi Đình Cương (còn có tên gọi khác là Đảnh Khương), cao 287m, nằm về tả ngạn sông Vệ, thuộc địa bàn các xã Hành Phước, Hành Đức, Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 13 km, về phía tây nam. Núi nÀy hợp với núi Đầu Tượng, núi Kỳ Lân, núi Muồng, núi Hòn Bà thành hệ thống núi đồi chạy dọc theo tả ngạn sông Vệ, ngược về phía tây, liên kết với dãy Trường Sơn Nam.
Núi Đình Cương nhìn từ Phú Lâm Đông. |
Án ngữ trên trục đường tỉnh lộ 624, từ thành phố Quảng Ngãi đi Minh Long, núi Đình Cương đồng thời là một cao điểm có thể khống chế vùng thung lũng tả ngạn sông Vệ, từ đèo Đá Bàn (xã Hành Phước) đổ xuống phía đông bắc, giáp với các xã tây nam huyện Tư Nghĩa.
Theo lời kể còn lưu truyền trong dân gian, trước đây vùng Đình Cương cây cối um tùm, nổi tiếng nhiều thú hoang, cọp dữ. Vào những ngày trời trong, nhìn từ đỉnh núi Đình Cương, tầm mắt có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, từ thung lũng sông Vệ phía nam đến tỉnh lỵ Quảng Ngãi phía đông bắc.
Do vị trí chiến lược quan trọng của núi Đình Cương và hệ thống núi đồi ở tả ngạn sông Vệ nên quân đội Sài Gòn đã thiết lập ở khu vực này nhiều cứ điểm quân sự như đồn Bàn Cờ, đồn Phú Lâm Tây, cứ điểm đồi 68... Đến giai đoạn 1972 – 1974, tình hình chiến sự đã có những chuyển biến mạnh mẽ, lực lượng vũ trang cách mạng đã làm chủ phần lớn địa bàn các huyện Ba Tơ, Minh Long, tây và tây nam huyện Nghĩa Hành, tây bắc huyện Mộ Đức, tây huyện Tư Nghĩa, hình thành vòng cung áp sát tỉnh lỵ Quảng Ngãi.
Trước tình hình ngày càng trở nên nguy ngập của chuỗi đất cực nam Vùng I chiến thuật (gồm các tỉnh duyên hải từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi), Bộ tư lệnh Quân đoàn I quân đội Sài Gòn tăng phái nhiều đơn vị bộ binh chủ lực, kết hợp lực lượng quân địa phương, củng cố các chốt điểm phòng thủ, đồng thời tăng cường hỏa lực cho các đơn vị đồn trú khu vực Đình Cương nhằm cản bước tiến của quân giải phóng, bảo vệ hành lang phía tây nam tiểu khu Quảng Ngãi.
Sau hiệp định Paris (tháng 1/1973), quân đội Sài Gòn liên tục vi phạm có hệ thống các điều khoản hiệp định, mở nhiều đợt phản kích “giành dân chiếm đất”, tăng cường không thám và bắn phá bằng phi pháo vào các địa bàn quan trọng, đặc biệt là các vùng hành lang, gây rất nhiều khó khăn cho công tác vận chuyển, tiếp tế và các hoạt động bình thường ở vùng kiểm soát của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bia di tích tại Phú Lâm Tây. |
Quyết tâm đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của đối phương, củng cố vững chắc và mở rộng vùng giải phóng, thực hiện nhiệm vụ chung của Khu ủy V, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các hoạt động cách mạng trong giai đoạn tiếp theo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo mở chiến dịch Xuân – Hè 1974 (từ 20/4 đến 20/6/1974), tiêu diệt một phần sinh lực địch, san bằng nhiều chốt điểm quân sự, thu hồi lại những vùng giải phóng bị lấn chiếm ở tây Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, nam sông Vệ.
Tiếp theo chiến dịch Xuân Hè là chiến dịch Thu 1974 (từ giữa tháng 7 đến đến giữa tháng 9/1974) với nhiệm vụ trọng tâm tiêu diệt một số cứ điểm, chi khu quân sự, phá vỡ từng mảng hệ thống phòng ngự của đối phương ở vùng giáp ranh các huyện miền núi, hỗ trợ vùng đồng bằng nổi dậy. Tham gia chiến dịch có lữ đoàn bộ binh 52, trung đoàn pháo binh 576, tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 20 tỉnh đội Quảng Ngãi cùng sự yểm trợ của lực lượng vũ trang địa phương .
Bản đồ lưu vực thượng nguồn sông Vệ với các cao điểm núi Đầu Tượng, núi Bàn Cờ, núi Đảnh Khương (Đình Cương) và Phú Lâm Tây. |
Đêm 3/8/1974 các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công vào cứ điểm Phú Lâm Tây – chỉ huy sở tiểu đoàn 118 Địa phương quân. Ngày hôm sau, quân giải phóng đánh chiếm các đồn Bàn Cờ, Đình Cương, làm chủ khu vực thung lũng Cộng Hòa.
Bị đánh bật khỏi cứ điểm chiến lược án ngữ cửa ngõ phía tây nam tỉnh lỵ Quảng Ngãi, Bộ tư lệnh quân đoàn I Sài Gòn khẩn cấp điều động trung đoàn 6 (đơn vị cơ hữu của sư đoàn 2 bộ binh) có sự yểm trợ hỏa lực của phi cơ và pháo binh, mở cuộc hành quân tái chiếm Đình Cương. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt trong nhiều ngày đêm, bộ binh đôi bên giành giật từng quả đồi, hẻm núi trong khi tiếng nổ và khói bom, pháo, rốc két như giăng kín bầu trời.
Đến cuối tháng 8/1974, trung đoàn 6 bị thiệt hại nặng phải rút lui. 17 chốt điểm trong khu vực từ Hòn Bà, Bàn Cờ, cầu Cộng Hòa, núi Đình Cương rơi vào tay các lực lượng vũ trang cách mạng. Quân giải phóng làm chủ một vùng rộng lớn phía tây nam Nghĩa Hành, tây Tư Nghĩa. Trong khi đó, tại Minh Long, ngày 16/8 bộ đội chủ lực khu V phối hợp với bộ đội địa phương tiến công cụm cứ điểm chi khu quân sự Minh Long, nhanh chóng làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm và giải phóng huyện Minh Long chỉ sau 1 ngày đêm.
Theo đà tiến công và giải phóng, ngày 20/9/1974 cụm cứ điểm và chi khu Giá Vụt bị quân giải phóng tiêu diệt, vùng giải phóng liên mảng tây nam của tỉnh Quảng Ngãi hình thành vững chắc. góp phần tạo thế trận thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng toàn tỉnh tháng 3 năm 1975.
Di tích chiến thắng Đình Cương, gồm các điểm chính: đồn Đình Cương, đồn 68 (xã Hành Minh), chốt Cây đa ông Tướng (xã Hành Đức), chốt Triền Đá Én (xã Hành Phước), Hòn đá chồng (xã Hành Phước), chốt Bàn Đá Nẻ (xã Hành Phước) , đồn Phú Lâm Tây (xã Hành Thiện), đồn Bàn Cờ (xã Hành Thiện)... đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia, tại Quyết định số 43/ VH-QĐ ngày 7/1/1993.
Phú Lâm Đông, tháng 8/2012
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Di tích thành cổ Châu Sa