Lý Sơn - Một lần về

10:04, 06/04/2012
.

(QNg)- “Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/ Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”.  Với câu ca dao quen thuộc này của người dân huyện đảo Lý Sơn (ngày xưa còn gọi là cù lao Ré) du khách có thể mặc định sơ bộ trong tâm trí của mình về địa hình và hải trình đến với huyện đảo tiền tiêu này.

TIN LIÊN QUAN


Theo Quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ và từ cảng biển này sau hơn 45 phút bằng tàu cao tốc du khách có thể đến với đảo Lý Sơn cách đất liền ngót chừng 15 hải lý về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Với tôi, Lý Sơn rất gần gũi, rất thân quen. Vì quê tôi nằm cuối dòng sông Kinh thơ mộng, nơi tiếp giáp với cảng Sa Kỳ nên việc ra thăm đảo nhỏ thân yêu này càng dễ dàng thuận tiện và thường xuyên hơn. Ấy vậy mà cứ mỗi lần đến với Lý Sơn, vẫn để lại trong tôi nhiều cảm xúc ngọt ngào về tình đất, tình người nơi đây. Và đằm sâu hơn trong tâm thức tôi, nhưng cũng rất đỗi tự hào và đầy khâm phục các bậc tiền nhân qua những lễ hội mang đầy sử tích của cha ông từ thuở chèo thuyền đi cắm cột mốc chủ quyền và giữ gìn trọn vẹn hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Để bây giờ, những bằng chứng hào hùng về những cột mốc ấy bằng vật thể và phi vật thể được thế giới và nhân dân cả nước biết đến, thì Lý Sơn là nơi còn lưu giữ nhiều nhất, phản ánh xác thực nhất những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.                                   Ảnh: KIM DŨNG
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Ảnh: KIM DŨNG


Theo lời mời của anh bạn đồng nghiệp đang sinh sống và công tác nơi đây. Tôi lại lên tàu về với huyện đảo nặng nghĩa, sâu tình này. Con tàu cao tốc rẽ sóng băng băng ra cửa Sa Kỳ. Hôm nay, trời quang biển lặng. Thế mà như một quy luật tự nhiên, con tàu vẫn bồng bềnh cùng sóng nước, nhưng với biên độ nhỏ nhất của sóng biển muôn đời. Để rồi khi ra giữa cửa biển, trước mặt tôi hiện ra bên này là thắng cảnh Thạch Cơ Điếu Tẩu. Bên kia là rặng đá trường cửu đen sầm sậm, ngày đêm sóng vỗ, vung lên trắng xóa một góc bờ cửa Sa Kỳ.

Phía ngoài cửa biển, hòn Bàn Than cheo leo là nơi định hình về cảng Sa Kỳ của tàu thuyền qua lại vùng biển này. Đối với người dân Lý Sơn, khi trời yên biển lặng, nhìn về đất liền theo hướng Sa Kỳ sẽ thấy hiện lên lờ mờ trong thăm thẳm trời nước mênh mông là hòn Bàn Than. Thế nên, trong câu ca dao mộc mạc trên có nhắc đến Sa Kỳ, nhắc đến hòn Bàn Than là vậy.

Con tàu vẫn hướng về Lý Sơn mà vượt sóng, kéo dãn tầm nhìn về phía đất liền dần dần xa hút. Trước mặt tôi, giờ chỉ còn trời nước mênh mông xanh ngắt trong lờ mờ hơi nước. Tôi chợt nhận ra phận người nhỏ bé trước biển cả bao la. Thế mới thấy hết sự nhiệt thành, dũng cảm của cha ông ngày xưa vì biển đảo quê hương, vì chủ quyền dân tộc mà sẵn sàng đánh đổi mạng sống bằng những thuyền chèo thô sơ vẫn trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Sự sống và cái chết mong manh chỉ cách nhau bằng chiếc nan tre. Ấy vậy mà họ vẫn bám biển, vẫn thẳng tiến về Trường Sa, Hoàng Sa để giữ gìn trọn vẹn lãnh hải của Tổ quốc. Thật đáng khâm phục và biết ơn xiết bao!

Lý Sơn hiện dần trong trời chiều. Rõ nét hơn vẫn là ngọn núi Thới Lới kỳ vĩ tựa mình vào sương gió biển khơi ngày đêm vi vút mà trầm ẩn bao huyền tích từ xa xưa đến giờ. Trước hết, đất trên đỉnh núi này người dân Lý Sơn xem là đất thiêng, được lấy về tạo nên da thịt của hình nhân thế mạng. Còn xương cốt là thân cây dâu được trồng trên đảo và trái tim sẽ là đất ở ngã ba đường trộn với lòng đỏ trứng gà.

Hình nhân thế mạng là một trong những vật phẩm thiêng liêng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã có từ thời triều Nguyễn và lưu truyền cho đến bây giờ, đã trở thành đời sống tâm linh của nhiều thế hệ người dân Lý Sơn. Lễ được tổ chức vào dịp tháng hai, tháng ba âm lịch hằng năm: "Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng hai Khao lề thế lính Hoàng Sa". Hình nhân, mộ gió ở Lý Sơn đã ra đời từ đây.

Trong các ngôi mộ gió ở Lý Sơn có ngôi mộ gió đặc biệt của cai Đội thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật - người đã nhiều lần dẫn binh ra trấn giữ Hoàng Sa gần 200 năm trước. Vậy đấy, hình nhân và mộ gió Lý Sơn có thể xem như "cột mốc vô hình" trường tồn trong lòng dân tộc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Cùng với đình làng An Hải, Chùa Hang là di tích quốc gia. Chùa Hang ẩn mình dưới chân núi Thới Lới, được cư dân địa phương tạo lập cách đây hơn 400 năm. Những sáng tinh mơ hay buổi chiều về, du khách đến với chùa sẽ thấy hồn mình trầm lắng và miên man nỗi lòng hoài cổ qua tiếng sóng biển rì rào, xen lẫn tiếng vi vút gió nồm lướt qua từng tán lá bàng cổ thụ hơn trăm năm tuổi trồng ven chùa.

Chiều trên đảo thật tuyệt, lay động bao trái tim đa cảm. Ngoài kia, nắng trải vàng lao xao trên sóng nước mênh mang, gió nồm vi vút mát rượi thổi xạc xào trên những rặng dừa nghiêng nghiêng bóng. Ngồi dưới bóng râm mát rượi của rặng dừa xanh là các phụ nữ, trẻ em, người già tỉ mẩn đan, vá từng mắt lưới mà hồn như muốn gửi bao mong ước vào ngày mai, từ những mắt lưới vuông này sẽ  đem về cá bạc đầy khoan.

Thong dong trên chiếc xe đạp, du khách có thể xuyên qua những con đường yên bình đến thăm những ngôi nhà cổ mới thấy hết tính kiên trì, nét tài hoa của cha ông qua những nét chạm trổ hoa văn trên gỗ đã phủ màu thời gian vượt hơn thế kỷ.

Với diện tích tự nhiên ngót 10 km2 Lý Sơn vẫn còn lưu giữ và bảo tồn 9 ngôi nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở thôn Tây, xã An Hải. Đi dọc cánh đồng ngô xanh rì xào xạc gió, đến bãi đá ngầm san hô vào lúc thủy triều ròng xuống, du khách sẽ nhận ra bao sắc màu của biển hiện lên trên bãi đá này. Nào màu xanh rau lá hẹ, xen lẫn màu vàng ươm của rong mơ trứng chuồn, và các màu khác của rau đĩa xôi, rau bồng bồng… Đặc biệt hơn là màu vàng nhạt của rau câu - một đặc sản của Lý Sơn để chế biến thành chè rau câu, bún biển rau câu, rau câu luộc trộn đậu phộng rang.

Người ta còn gọi Lý Sơn là vương quốc tỏi. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp nơi vì hương vị độc đáo của tinh dầu mà tỏi ở bất kỳ nơi đâu cũng không thể sánh được. Cây tỏi Lý Sơn còn đem đến cho du khách một đặc sản khác lạ- gỏi tỏi tuyệt vời cùng với đặc sản gỏi cá.

Đấy là tình đất. Còn tình người Lý Sơn thật tuyệt với tấm lòng hiếu khách, chân tình. Họ chân chất tình người, không ngờ vực, thăm dò. Họ sẵn sàng dành cho khách tất cả những gì có thể. Vì thế khi chia tay với người dân đảo Lý Sơn trong lòng ai cũng mang đầy lưu luyến.

Ghi chép Bùi Huyền Tương

 


CÁC TIN KHÁC
.