(Báo Quảng Ngãi)- Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất nhập khẩu, cũng như sản xuất công nghiệp, chuỗi cung ứng... Vì thế, khi dịch bệnh tạm lắng, việc giao thương cần phải được khơi thông.
Ngay sau khi dịch tạm lắng, Quảng Ngãi cùng với doanh nghiệp (DN) đã vào cuộc để tháo gỡ ách tắc trong giao thương. Các DN phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, DN dịch vụ logistics đang tham gia tích cực vào thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cửa khẩu cảng Dung Quất đã chủ động tháo gỡ về thủ tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cảng. Ngành thuế chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, giảm chi phí thông qua giảm thuế, phí, góp phần hỗ trợ các DN khôi phục sản xuất và các DN logistics.
Công nhân Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất. |
Hiện nay, Quảng Ngãi đang triển khai kịch bản khôi phục hoạt động thương mại sau đại dịch, bao gồm việc từng bước khôi phục sản xuất, thích ứng với tình trạng còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, để sẵn sàng bước vào thời kỳ hậu dịch bệnh. Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng với các DN là đối tác trực tiếp của các DN Trung Quốc. Nhiều nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, xuất khẩu nông sản đã gần như không còn đủ sức để gượng dậy vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Sau đại dịch, các DN cần cấu trúc lại đối tác, phù hợp với tự do hóa, toàn cầu hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Bài học lớn được rút ra về sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và công nghiệp phụ trợ Trung Quốc đã quá rõ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa không hợp tác mà là cần đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro từ sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường của nước này.
Ngành du lịch cần sớm giải tỏa ách tắc, kích cầu, nhưng phải định hình lại chính sách phát triển; không co cụm, đóng cửa mà phải mở rộng trong sự kiểm soát tốt hơn. Sản xuất mặt hàng xuất khẩu cũng không chỉ là sản xuất hàng hóa thế mạnh, mà sản xuất những gì thị trường thế giới cần cả trong trước mắt và lâu dài, hài hòa, thích ứng với thị trường quốc tế. Có thể nhiều DN sẽ nôn nóng đầu tư, gia tăng phát triển, nhưng phải thận trọng, tính toán kỹ, phù hợp bối cảnh giao thương đang dần mở cửa sau đại dịch.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút, giá xăng, dầu trong nước giảm sâu; kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như đồ gỗ, linh kiện điện tử, dầu FO giảm mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp của khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2019, như đường RS giảm hơn 70%; sữa các loại giảm 32%; bia các loại giảm 35%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 28,6%; tai nghe giảm 80,5%...
Hiện nay, Bộ Công thương đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp tháo gỡ ách tắc thương mại, nhất là từng bước gỡ bỏ cơ chế hành chính liên quan đến phòng dịch khi dịch đã dần lắng xuống. Thương mại nội địa của Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay tương đối ổn, song thương mại thế giới có chiều hướng giảm. Mức độ giảm còn có thể cao hơn ở một số lĩnh vực trong thời gian sắp tới, vì lượng hàng xuất khẩu vừa qua chủ yếu là hàng hóa sản xuất theo đơn hàng năm 2019. Cho đến nay, nhiều DN chưa tìm kiếm được đơn hàng cho năm 2020, chưa nhập được nguyên phụ liệu sản xuất cho đơn hàng còn tồn đọng. Vì thế, việc cần thiết hiện nay là giải tỏa những rào cản về cơ chế, nhanh chóng thiết lập lại quan hệ giao thương. Trong đó quan hệ thương mại thế giới cần xác định thời điểm gỡ bỏ biện pháp hành chính của các nước đối tác, kết nối trở lại kịp thời để tận dụng cơ hội phát triển.
Từ đầu tháng 5 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư quy định về việc giảm nhiều loại phí, lệ phí một số lĩnh vực đến hết năm 2020. Bao gồm: Giảm lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện và phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Mức giảm khá lớn từ 20% đến 50%, tùy lĩnh vực.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp rà soát, ban hành giảm thuế, phí liên quan đến lĩnh vực vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay. Đồng thời làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh. Khả năng sắp tới một số phí, lệ phí liên quan đến tiêu dùng sẽ được giảm, nhằm kích cầu ngành sản xuất, tiêu dùng trong nước. Khi nào chính thức áp dụng, Cục Thuế sẽ nhanh chóng triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại.
Giám đốc Công ty CP may Vinatex Nghĩa Hành Đặng Trọng Tâm: "Nhiều khó khăn trong khôi phục ngành may mặc"
Sau dịch, ngành may mặc phải đối diện với nhiều khó khăn và cần rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục sản xuất. Bởi, hiện tại quần áo may sẵn không được các nước trên thế giới xếp vào mặt hàng thiết yếu, được phép mở cửa kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc đầu ra cho sản phẩm may mặc xuất khẩu bị bế tắc. Đó là chưa kể, do ảnh hưởng của dịch, nhiều đối tác Châu Âu đã hủy nhiều đơn hàng trị giá nhiều tỷ đồng đã đàm phán, ký kết với đối tác Việt Nam trước đó. Nếu DN chỉ có một vài đối tác tập trung ở một thị trường nào đó thì khi bị hủy đơn hàng sẽ đẩy DN rơi vào cảnh bi đát. Ngành may gia công ở Quảng Ngãi dù không phổ biến song cũng đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Một khi DN ngừng hoạt động có nghĩa là người lao động mất việc làm, thu nhập, phải chật vật đi tìm việc làm mới. Còn DN may mặc khi gặp khó khăn, hàng hóa sản xuất ra có thể chưa xuất đi ngay được mà phải lưu kho, dẫn đến nhiều khả năng lỗi model, gây thiệt hại không nhỏ.
Thanh Nhị
(thực hiện)