(Baoquangngai.vn)-
Mỗi năm, ở tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 40 tấn rác thải là các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường. Đây là các loại rác thải vô cơ có chứa hợp chất độc hại, khó phân huỷ, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường không khí, đất, nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 70.000 ha đất canh tác sản xuất lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Tương ứng với việc chăm sóc diện tích cây trồng trên, mỗi năm các hộ nông dân đã sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật.
Để giải quyết loại rác thải nguy hiểm này, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng trên 1.700 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc thu gom, lưu chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong các ống bi đặt tại các cánh đồng ruộng chỉ làm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng chứ không làm giảm thiểu tác động của loại chất thải này đến chất lượng môi trường.
Việc xây dựng các bể chứa rác là các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật chỉ là giải pháp tạm thời, chưa có hướng xử lý triệt để |
Mặt khác, nhiều nơi vẫn còn tình trạng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt, tức là vận chuyển đến bãi rác để chôn lấp hoặc đốt, gây nguy cơ ô nhiễm rất lớn đối với môi trường đất, nước. Do đó, hiện nay việc xử lý các chất thải rắn nguy hại này đang trở thành một vấn đề thách thức rất lớn cho các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết vấn đề thách thức này, chính quyền địa phương các cấp phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức tự giác bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là đầu tư công nghệ xử lý triệt để các chất thải nguy hại. Tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy ước, hương ước, tiêu chí về bảo vệ môi trường trong nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
PV