Bảo vệ môi trường, đôi điều suy nghĩ

08:02, 13/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi bước vào vụ đông xuân, thật xót xa khi nhìn trên những cánh đồng nông dân lạm dụng thuốc diệt cỏ. Thường thì trước khi làm đất để gieo sạ, nông dân dùng cuốc, rựa lia phát cỏ bờ rồi mới cày bừa, dọn sửa ruộng cho bằng phẳng. Nhưng hiện nay, người ta dùng thuốc diệt cỏ phun trên bờ ruộng để cỏ khô cháy đỡ tốn công lao động, nhưng tác dụng xấu đến môi trường.
Điều đang nói ở đây là, nông dân không chỉ phun thuốc diệt cỏ bờ, mà cả trên hầu hết các đám ruộng dẫn đến cánh đồng mầm lúa và cỏ cháy vàng khô khốc. Những con trâu, bò vẫn ung dung tìm gặm chỗ cỏ và mầm lúa còn xanh, chúng đâu biết đang ăn chất độc để thấm vào thịt rồi lại hại chính cho con người. Hiện nay, nhiều cánh đồng nhiễm chất độc trong thuốc diệt cỏ với lượng lớn, không tự hủy được và lâu ngày sẽ thấm xuống tầng nước ngầm. 
Nhiều cánh đồng dùng thuốc diệt cỏ nên cháy vàng.
Nhiều cánh đồng dùng thuốc diệt cỏ nên cháy vàng.
Trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đã có biện pháp mạnh để bảo vệ môi trường. Chính quyền một số xã đã thông báo tác hại và yêu cầu nông dân không phun thuốc diệt cỏ trên ruộng trước khi vào vụ một cách tràn lan, nếu cần chỉ phun diệt cỏ bờ. Vì lúa mầm và cỏ trong ruộng khi cày bừa sẽ bị băm nát thành phân hữu cơ, làm xốp đất và tốt lúa. Nhiều khu dân cư người ta ngăn cản không cho người làm ruộng phun thuốc diệt cỏ tràn lan khi không cần thiết trên những đám ruộng gần sát nơi ấy. Ở những nơi đó hạn chế được một số lần phun thuốc diệt cỏ bừa bãi, mỗi năm sản xuất hai vụ, giảm được hai lần phun trên ruộng trước cày bừa, chỉ còn hai lần sau khi sạ. Động thái này góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống.
 
Còn chuyện rà điện bắt cá, săn bắn chim kiểu hủy diệt như để máy phát tiếng kêu chim về để bắn, hay dùng keo dính, đánh lưới rập... đã có nơi làm rất triệt để, dân quân, công an viên, cán bộ thôn tịch thu dụng cụ hay mời người vi phạm đưa về xã để xử lý. Nhưng vẫn còn không ít nơi thả tự do cho người dân kéo dây điện hay mang bình rà châm điện bắt cá, sắn bắn chim, hủy diệt môi sinh. Không chỉ đồng bằng mà rừng núi, vùng bán sơn địa cũng vậy, nhiều chim thú quý hiếm vẫn bị giết hại. 
 
Thiết nghĩ, để bảo vệ môi trường bền vững, cần sự chỉ đạo chấn chỉnh thường xuyên của các cấp, ngành để các địa phương thực hiện triệt để.
 
Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo
 
 
 

.